1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine cảnh báo đường ống khí đốt từ Nga sang châu Âu "có nguy cơ bị vỡ"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Kiev cảnh báo đường ống dẫn dòng khí đốt từ Nga sang châu Âu chảy qua Ukraine có "nguy cơ bị vỡ", sau khi Moscow "đột ngột gia tăng áp suất" lên đường ống này.

Ukraine cảnh báo đường ống khí đốt từ Nga sang châu Âu có nguy cơ bị vỡ - 1

Một đường ống khí đốt của Gazprom (Ảnh: Reuters).

Reuters dẫn thông báo hôm 25/7 từ đơn vị vận hành hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Ukraine cho biết, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom đã "tăng mạnh áp lực" lên đường ống Urengoy-Pomary-Uzhhorod nhưng không báo trước.

Đây là đường ống chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu chạy qua lãnh thổ Ukraine.  

Theo phía Ukraine, động thái tăng áp lực của Nga có thể gây ra những tình huống khẩn cấp, bao gồm cả nguy cơ vỡ đường ống. Ukraine cho rằng, bên vận hành có nghĩa vụ phải thông báo cho nhau trước về các động thái liên quan tới đường ống.

Gazprom chưa lên tiếng bình luận về thông tin của Ukraine.

Nga vẫn đang chuyển khí đốt sang châu Âu qua lãnh thổ Ukraine dù 2 quốc gia đang vướng vào cuộc xung đột quân sự đã kéo dài suốt 5 tháng qua. Ngày 25/7, Gazprom cho biết, họ vẫn đang cung cấp khí tự nhiên cho châu Âu qua Ukraine với lưu lượng là 41,7 triệu m3 trong ngày, so với con số 41,2 triệu m3 một ngày trước đó.

Thông tin do Ukraine công bố diễn ra trong bối cảnh, Gazprom hôm 25/7 tuyên bố bắt đầu từ ngày 27/7, họ sẽ ngừng hoạt động một tua-bin của đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 dẫn khí đốt từ Nga sang Đức qua biển Baltic. Nga viện dẫn lý do kỹ thuật cho động thái trên.

Như vậy, vào ngày mai, lượng khí đốt dự kiến Nga cấp cho Đức qua Dòng chảy phương Bắc 1 sẽ chỉ còn 33 triệu m3/ngày, chỉ bằng 1/5 công suất tối đa của cả đường ống.

Động thái giảm lượng khí đốt của Nga cấp sang Đức diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang tăng tốc tìm cách lấp đầy kho dự trữ khí đốt cho mùa đông lạnh giá sắp tới.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, lượng khí đốt của Moscow cấp sang châu Âu đã sụt giảm đáng kể, đẩy giá năng lượng tăng vọt, gây ra tình hình lạm phát ở nhiều quốc gia phương Tây.

Liên minh châu Âu EU đã cáo buộc Nga "vũ khí hóa" khí đốt để gây áp lực lên phương Tây vì hỗ trợ Ukraine trong chiến dịch quân sự.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine