Giá khí đốt tại châu Âu tăng vọt khi Nga "khóa van" với Ba Lan, Bulgaria
(Dân trí) - Giá khí đốt tại châu Âu tăng mạnh sau khi Nga tuyên bố ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho Ba Lan và Bulgaria.
Trong một tuyên bố hôm qua (26/4), nhà cung cấp khí đốt của Nga Gazprom cho biết họ bắt đầu ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria kể từ hôm nay do không thanh toán bằng đồng rúp.
Sau thông tin trên, giá khí đốt giao kỳ hạn tại Hà Lan đã tăng vọt tới 24% lên 127,5 euro/MWh, cao nhất kể từ ngày 1/4. Các hợp đồng khí đốt giao tương lai trên sàn giao dịch châu Âu cũng tăng 11% lên 115 euro/MWh, trong khi đó, tại Anh, giá khí đốt cũng đang tăng 6,6%.
Theo CNBC, đây là lần đầu tiên Nga đình chỉ cung cấp khí đốt kể từ sau khi Tổng thống Nga Putin tuyên bố vào tháng trước rằng những người mua nước ngoài "không thân thiện" sẽ phải trả tiền khí đốt cho Gazprom, thuộc sở hữu của nhà nước Nga, bằng đồng rúp thay vì các loại tiền tệ khác.
Châu Âu nhập một lượng lớn khí đốt tự nhiên của Nga để sưởi ấm, sản xuất điện và cung cấp cho ngành nhiên liệu. Việc nhập khẩu vẫn tiếp tục diễn ra bất chấp chiến sự nổ ra ở Ukraine.
Khoảng 60% lượng nhập khẩu đã được trả bằng đồng euro, còn lại là bằng đồng USD. Tuy nhiên, yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp thay vì hai đồng tiền trên, theo CNBC, rõ ràng là để củng cố đồng rúp.
Các nhà lãnh đạo châu Âu cho biết họ sẽ không tuân thủ yêu cầu thanh toán cho Gazprom bằng đồng rúp vì cho rằng điều này vi phạm các điều khoản hợp đồng và các lệnh trừng phạt của họ đối với Nga.
"Đề xuất của Nga cho quy trình thanh toán hai bước là vi phạm hợp đồng hiện tại và khiến Bulgaria chịu rủi ro đáng kể, trong đó bao gồm cả việc thanh toán mà không nhận được chuyến hàng khí đốt nào từ Nga", chính phủ Bulgaria nói.
Bulgaria cho biết họ đang làm việc với các công ty khí đốt nhà nước để tìm nguồn khác thay thế. Quốc gia vùng Balkan có 6,5 triệu dân này đang nhập hơn 90% nguồn cung khí đốt từ Nga thông qua đường ống TurkStream. Dù vậy, chính phủ Bulgaria cho biết hiện họ vẫn chưa áp dụng các biện pháp hạn chế tiêu thụ nào.
Công ty khí đốt nhà nước Ba Lan PGNiG cũng vừa xác nhận Gazprom đã thông báo ngừng cung cấp khí đốt cho nước này qua đường ống Yamal-Europe bắt đầu từ hôm nay.
Đường ống Yamal vận chuyển khí đốt từ Nga đến Ba Lan và Đức thông qua Belarus.
Theo Bloomberg, PGNiG đang nhập từ Nga 10,2 tỷ m3/năm, tương đương 50% nhu cầu hoặc 60% nhập khẩu của quốc gia này.
Hãng thông tấn Nga Tass đưa tin, Gazprom đã yêu cầu Ba Lan phải thanh toán việc mua khí đốt bằng đồng rúp, tuy nhiên, PGNiG cho rằng yêu cầu đó của Nga là vi phạm hợp đồng đã ký.
Ba Lan không chỉ từ chối thanh toán cho các đơn hàng khí đốt bằng đồng rúp mà còn lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ cho nước láng giềng Ukraine. Đây cũng là điểm trung chuyển vũ khí mà Mỹ và các quốc gia phương Tây cung cấp cho Ukraine.
Chính phủ Ba Lan cũng vừa công bố áp lệnh trừng phạt đối với 50 công ty và nhà tài phiệt của Nga, bao gồm Gazprom.
Biểu đồ dòng chảy được công bố trên trang web của Mạng lưới vận hành hệ thống vận chuyển khí đốt châu Âu cho thấy dòng khí giảm mạnh tại các điểm vào ở Kondratki, một thị trấn ở miền đông Ba Lan và Vysokaye thuộc Belarus.
Bộ trưởng Khí hậu Ba Lan Anna Moskwa cho biết họ đã chuẩn bị cho tình huống này sau nhiều năm thực hiện các biện pháp giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga. Bà cho biết nước này đã độc lập với khí đốt của Nga trong một thời gian. Vì vậy, "sẽ không thiếu khí đốt trong các ngôi nhà ở Ba Lan", bà Moskwa tweet.
Từ những năm 1990, Ba Lan đã nỗ lực cắt nguồn năng lượng của Nga và đang trên đà chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga trong năm nay. Gần đây, họ cũng đã ngừng nhập khẩu than của Nga.
Chính phủ Ba Lan cũng kêu gọi các quốc gia châu Âu khác giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga.