1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Hezbollah
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Châu Âu "thắt lưng buộc bụng" khí đốt trước nguy cơ bị Nga khóa van

Đức Hoàng

(Dân trí) - Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi các nước thành viên cắt giảm sử dụng khí đốt như là một biện pháp đề phòng khẩn cấp trong bối cảnh Nga có thể giảm hoặc cắt hẳn nguồn cung cho khu vực.

Châu Âu thắt lưng buộc bụng khí đốt trước nguy cơ bị Nga khóa van - 1

Châu Âu bày tỏ lo ngại trước nguy cơ bị Nga khóa van khí đốt (Ảnh: Reuters).

Reuters đưa tin, EU hôm 20/7 đã đề xuất các nước trong khối cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng tới tháng 3 năm sau trong bối cảnh EU cảnh báo rằng Nga có thể cắt giảm lượng khí đốt chảy sang châu Âu, hoặc thậm chí khóa van.

Dòng khí đốt chảy qua Dòng chảy phương Bắc 1 - vốn chiếm hơn một phần ba lượng khí đốt xuất khẩu của Nga sang EU - dự kiến sẽ được nối lại vào ngày 21/7 sau khi Moscow tạm dừng 10 ngày để thực hiện bảo trì định kỳ.

Dòng khí đốt Nga chảy sang châu Âu đã sụt giảm kể từ sau sự kiện ngày 24/2 khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Diễn biến này làm ảnh hưởng tới nỗ lực của châu Âu trong việc lấp đầy kho dự trữ khí đốt trước mùa đông và gây ra nguy cơ khiến EU thiếu hụt năng lượng trầm trọng khiến lạm phát và nguy cơ khủng hoảng gia tăng.

Chính vì vậy, Ủy ban châu Âu đề xuất các quốc gia EU tự nguyện cắt giảm sử dụng 15% lượng khí đốt từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau, so với mức tiêu thụ trung bình của các nước này trong cùng kỳ 2016-2021.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cáo buộc Nga đang "vũ khí hóa" năng lượng chống lại EU. "Và do đó, trong bất cứ trường hợp nào, cho dù Nga cắt giảm một phần hay toàn bộ khí đốt sang EU, châu Âu cần phải sẵn sàng với mọi tình huống", bà nhấn mạnh.

Đề xuất EC có thể trở thành bắt buộc trong trường hợp EU gặp phải tình huống khẩn cấp về nguồn cung khi khối này tuyên bố có nguy cơ thiếu khí đốt nghiêm trọng.

Động thái này - vốn cần sự ủng hộ của các quốc gia EU, sẽ được thảo luận vào ngày 22/7.

Một quan chức EU cho biết: "Chúng tôi tin rằng có thể xảy ra sự gián đoạn hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ Nga. Nếu chúng ta chờ đợi, cái giá phải trả sẽ đắt hơn và điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ phải chạy theo Nga".

Các nước EU đang nỗ lực đảm bảo kho dự trữ khí đốt đầy được 80% vào ngày 1/11 từ mốc 65% ở thời điểm hiện tại.

Trước đó, châu Âu cáo buộc Nga đang sử dụng vấn đề kỹ thuật làm cái cớ để cắt nguồn cung khí đốt. Trong khi đó, Kremlin tuyên bố Nga là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy và cho rằng các lệnh trừng phạt chính là nguyên nhân khiến lượng khí đốt sang châu Âu bị giảm.

Nga viện dẫn việc Canada chưa giao tua-bin khí đốt lại cho nước này là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên. Trước đó, tua-bin này đã bị vướng vào lệnh trừng phạt Moscow, dẫn tới việc nó không được bàn giao lại. Canada đã thông báo sẽ trả lại tua-bin, nhưng Nga nói rằng họ chưa nhận được tài liệu về việc lắp đặt lại thiết bị này.

Nga nhấn mạnh rằng các thiết bị phải đủ chất lượng và điều kiện để đảm bảo đường ống vận hành an toàn.

Giá khí đốt tăng vọt nhiều lần kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng phát, dẫn tới việc nhiều quốc gia phương Tây bị rơi vào khủng hoảng năng lượng làm gia tăng tình trạng lạm phát nghiêm trọng.

Trong khi đó, theo Tass, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 20/7 đã chỉ trích chính phủ các nước châu Âu khi họ kêu gọi công dân tiết kiệm nước và điện để cắt giảm lợi nhuận từ năng lượng của Nga.

"Truyền thông và internet châu Âu trước đó đã đăng tải một bức ảnh có nội dung là 'hãy chỉ rửa 4 vị trí này (trên cơ thể) nếu bạn muốn làm ông Putin tức giận'. Bức ảnh chỉ đúng ra 4 bộ phận. Đây là cái gì vậy? Điều này thật sai lầm. Họ đã mắc quá nhiều sai lầm và giờ đây họ không biết xử trí ra sao ngoài đổ lỗi", ông Putin nói.

Theo Reuters, Tass
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine