1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Hezbollah
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Châu Âu hối hả tìm cách đối phó "vũ khí" khí đốt của Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp nhằm giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga, khi căng thẳng giữa 2 bên liên tục leo thang.

Châu Âu hối hả tìm cách đối phó vũ khí khí đốt của Nga - 1

Đường ống thuộc dự án Dòng chảy Phương Bắc 1 cấp khí đốt từ Nga sang Đức (Ảnh: Reuters).

RT đưa tin, EU đang lên kế hoạch tăng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ quốc gia châu Phi Nigeria, trong bối cảnh họ lo ngại Nga có thể sẽ khóa van đường ống khí đốt sang liên minh này.

Phó tổng giám đốc cơ quan năng lượng thuộc Ủy ban châu Âu (EC) Matthew Baldwin cuối tuần trước thừa nhận, EU đang lâm vào thế khó sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, cũng như do sự bất ổn định của thị trường khí đốt và mối đe dọa bị Moscow cắt nguồn cung đang hiện hữu.

Ông cho biết: "Vì vậy, chúng tôi đã thành lập nhóm chuyên trách về năng lượng và mục tiêu chính là tiếp cận với các đối tác đáng tin cậy của chúng tôi như Nigeria để thay thế nguồn khí đốt từ Nga".

EU là bên mua LNG lớn của Nigeria, chiếm 60% tổng số chuyến hàng LNG từ quốc gia này được đưa đến châu Âu. Con số trên cũng tương đương 14% tổng lượng khí nhập khẩu của khối.

Ông Baldwin nhấn mạnh mong muốn của EU nhằm tăng con số 14% lên. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận dù EU đang tìm cách mở rộng nguồn cung cấp LNG ngắn hạn từ Nigeria nhưng hiện tại, công suất và tỉ lệ sử dụng LNG của Nigeria quá thấp.

Mặc dù vậy, EU tin rằng, có "một tiềm năng khổng lồ" rằng LNG từ Nigeria có thể thay thế khí đốt Nga.

Tuần trước, châu Âu cũng đã ký kết thêm một thỏa thuận mới với Azerbaijan để gia tăng lượng khí đốt chảy sang châu lục này.

EU là nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới. Năm 2021, khối đã mua 80 tỷ mét khối LNG. Các nhà cung cấp LNG lớn nhất của liên minh là Mỹ (28%), Qatar và Nga (20% mỗi nước), Nigeria (14%) và Algeria (11%).

Trong khi đó, Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất của châu Âu (41% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU tính đến năm 2021). Tuy nhiên, trước tình hình ở Ukraine, đầu năm nay, châu Âu đã đưa ra kế hoạch REpowerEU, trong đó tập trung vào việc giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng của Nga. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, đây sẽ không phải là nhiệm vụ dễ dàng trong ngắn hạn, vì EU chưa thể tìm được nguồn cung đủ lớn để thay thế được Nga.

Trước diễn biến này, Ủy ban châu Âu (EC) hồi tuần trước đã công bố kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" khí đốt như một giải pháp tình thế cho nguy cơ thiếu năng lượng cho mùa đông sắp tới. Sáng kiến mang tên "Tiết kiệm khí đốt cho mùa đông an toàn" đã đề xuất các nước trong khối cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng tới tháng 3 năm sau, so với mức tiêu thụ trung bình của các nước này trong cùng kỳ 2016-2021.

Đề xuất EC có thể trở thành bắt buộc trong trường hợp EU gặp phải tình huống khẩn cấp về nguồn cung khi khối này tuyên bố có nguy cơ thiếu khí đốt nghiêm trọng.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cáo buộc Nga đang "vũ khí hóa" năng lượng chống lại EU. "Và do đó, trong bất cứ trường hợp nào, cho dù Nga cắt giảm một phần hay toàn bộ khí đốt sang EU, châu Âu cần phải sẵn sàng với mọi tình huống", bà nhấn mạnh.

Dòng khí đốt Nga chảy sang châu Âu đã sụt giảm kể từ sau sự kiện ngày 24/2 khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Diễn biến này làm ảnh hưởng tới nỗ lực của châu Âu trong việc lấp đầy kho dự trữ khí đốt trước mùa đông và gây ra nguy cơ khiến EU thiếu hụt năng lượng trầm trọng khiến lạm phát và nguy cơ khủng hoảng gia tăng.

Trước đề xuất của EC, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Bồ Đào Nha đều công khai tuyên bố rằng họ phản đối sáng kiến trên. Trong khi đó, Ba Lan và Hungary dường như cũng không đồng tình với đề xuất của EC, các nguồn tin nói với Bloomberg. 

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine