1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine bỏ ngỏ khả năng mời Nga tham gia hội nghị hòa bình

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quan chức Ukraine nói về khả năng có thể mời Nga tham gia hội nghị hòa bình để giải quyết cuộc xung đột giữa 2 nước.

Ukraine bỏ ngỏ khả năng mời Nga tham gia hội nghị hòa bình - 1

Ukraine bị tàn phá nặng nề vì cuộc chiến kéo dài hơn 2 năm qua (Ảnh: Reuters).

Ukraine và các đối tác nước ngoài có thể mời Nga tham dự hội nghị hòa bình trong tương lai để thảo luận về việc chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn 2 năm giữa 2 nước theo các điều kiện của Kiev, một quan chức cấp cao của Ukraine cho biết hôm 25/2.

Andriy Yermak, chánh văn phòng tổng thống Ukraine, cho biết Thụy Sĩ dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh để thảo luận về tầm nhìn hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Trước đó, Thụy Sĩ hôm 23/2 tiết lộ họ dự định tổ chức một hội nghị nói trên "vào mùa hè". Theo yêu cầu của Ukraine, chúng tôi dự định tổ chức một hội nghị cấp cao về hòa bình ở Ukraine vào mùa hè này. Do đó, tôi muốn nhân cơ hội này để mời tất cả các quốc gia... cùng nhau hướng tới mục tiêu chung của chúng ta".

Ông Yermak bỏ ngỏ về khả năng tham gia hội nghị hòa bình của Nga trong tương lai khi nói rằng Moscow có thể được mời tham dự trong một cuộc họp tiếp theo và vào thời điểm phù hợp.

"Có thể có trường hợp chúng ta sẽ mời đại diện của Liên bang Nga vào thời điểm mà giới lãnh đạo nước này thực sự muốn chấm dứt cuộc chiến và thiết lập lại hòa bình", ông nói.

Ông Zelensky lần đầu tiên công bố công thức hòa bình của ông tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11/2022. Công thức này kêu gọi khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và Nga rút quân về nước.

Ukraine tuyên bố sẽ không đàm phán với Moscow cho đến khi toàn bộ quân đội Nga rời khỏi lãnh thổ Ukraine.

Nga nhiều lần bác "công thức hòa bình" do Ukraine đề xuất, cho rằng những đề xuất này không khác nào "tối hậu thư" cho Moscow.

"Mỹ và các đồng minh đang áp đặt "công thức hòa bình Zelensky" cho cộng đồng quốc tế. Họ đang cố gắng phô trương công thức này như một phương án giải quyết duy nhất. Thực tế, mọi người đều hiểu rằng phương án này không khác nào tối hậu thư đối với Nga và bất khả thi", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu cuối tháng trước.

Chính phủ của Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Moscow luôn sẵn sàng đàm phán chấm dứt xung đột với Kiev nhưng trước hết Ukraine cần hủy sắc lệnh cấm đàm phán với Nga và phải chấp nhận "thực tế mới về lãnh thổ". Nga hiện kiểm soát khoảng gần 20% lãnh thổ Ukraine.

Mặt khác, Nga nói rằng hiện không có dấu hiệu nào cho thấy Ukraine có thiện chí đàm phán. Do vậy, Nga sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự cho đến khi đạt tất cả mục tiêu đề ra.

Liên quan tới kế hoạch Thụy Sĩ tổ chức hội nghị hòa bình, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba kêu gọi: "Nga không thể phớt lờ tiếng nói của đa số thế giới nếu tất cả chúng ta có lập trường nguyên tắc và cùng nhau hành động. Công thức hòa bình… chính xác là một cơ hội như vậy".

Tuy nhiên, Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd ngày 24/2 nhận định Nga khó có thể tham gia ngay từ đầu hội nghị hòa bình mà Thụy Sĩ dự định đăng cai trong những tháng tới.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine