1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga bác "tối hậu thư", nêu loạt điều kiện cho hòa bình ở Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Đại sứ Nga cảnh báo việc Mỹ và các đồng minh từ chối hiểu các yêu cầu của Moscow và tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine càng khiến cuộc xung đột trầm trọng thêm.

Nga bác tối hậu thư, nêu loạt điều kiện cho hòa bình ở Ukraine - 1

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov (Ảnh: AFP).

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov ngày 20/2 nói với Newsweek rằng, Moscow "kiên quyết" khẳng định, đến một lúc nào đó họ sẽ đạt được thỏa thuận hòa bình với Kiev, bất chấp sự phản đối từ phương Tây.

Theo ông Antonov, điều này sẽ đạt được ngay cả khi phương Tây "làm mọi cách để tước bỏ nền độc lập của Ukraine và biến nước này thành một đầu cầu chống Nga".

"Thay vì lắng nghe và hiểu những yêu cầu chính của Nga - gồm phi hạt nhân hóa và phi quân sự hóa Ukraine cũng như bác bỏ các kế hoạch bài Nga và phản đối kế hoạch gia nhập NATO của Kiev - Washington và các vệ tinh của họ đang khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn", nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Đại sứ Nga cáo buộc Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) "tung vũ khí cho những con rối của họ (ở Kiev), gọi đây là một "khoản đầu tư tốt"".

"Họ làm ngơ trước những hành vi phạm tội từ "khách hàng" của họ, những người sử dụng thiết bị sát thương để phạm tội ác chiến tranh và hành động chống lại cơ sở hạ tầng công cộng, dân thường và thậm chí cả binh lính của họ", ông Antonov nói thêm.

Theo Đại sứ Antonov, Nga "vẫn không từ bỏ việc đối thoại" về Ukraine dù chỉ nhận được những đề xuất "không thể chấp nhận" từ Kiev và các đồng minh phương Tây.

"Họ nhấn mạnh rằng không có lựa chọn nào thay thế cho "Công thức (hòa bình) Zelensky", vốn vô nghĩa và phiến diện, mặc dù những điều này không tính đến lập trường của Nga", ông Antonov cho biết.

"Công thức hòa bình" do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra từ năm 2022 kêu gọi Nga rút khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà Kiev tuyên bố chủ quyền, yêu cầu Moscow trả tiền bồi thường và thành lập tòa án tội ác chiến tranh.

Đại sứ nhấn mạnh, để tìm được giải pháp ngoại giao ở Ukraine, Mỹ và các đồng minh sẽ phải thay đổi đường lối liên quan đến Nga.

"Không thể có triển vọng đàm phán với Nga từ thế mạnh và áp lực trừng phạt… Mỹ càng sớm nhận ra điều này, thế giới càng sớm có cơ hội quay trở lại con đường phát triển ổn định, bền vững và có thể dự đoán được", nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Trong cuộc phỏng vấn với báo Brazil O Globo hôm 21/2, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố Moscow sẵn sàng giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine bằng các biện pháp hòa bình, nhưng không chấp nhận "tối hậu thư" của Kiev.

"Nga sẵn sàng giải quyết xung đột một cách hòa bình. Tuy nhiên, các đối thủ của chúng tôi cả ở Kiev và phương Tây đều nhất quyết thúc đẩy công thức của ông Zelensky, vốn đưa ra tối hậu thư không thể chấp nhận được đối với Nga và thẳng thừng bác bỏ các sáng kiến khác, bao gồm cả sáng kiến do Brazil đưa ra", ông Lavrov nói.

Theo Ngoại trưởng Nga, "đầu tiên, Kiev cần dỡ bỏ lệnh cấm đối thoại với Moscow mà họ đã tự áp đặt".

Tháng 10/2022, Tổng thống Zelensky đã ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Putin nhiều lần nhấn mạnh phía Nga chưa bao giờ từ chối bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào với Ukraine. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Nga lưu ý rằng Ukraine "đã công khai tuyên bố rời khỏi quá trình đàm phán" vào mùa xuân năm 2022.

Nga tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Ukraine phải thừa nhận "thực tế mới về lãnh thổ". Thực tế mà Moscow đề cập đến là việc các vùng lãnh thổ gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk, Donetsk sáp nhập vào Nga hồi tháng 10 năm ngoái và bán đảo Crimea sáp nhập năm 2014.

Theo RT, Tass

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm