1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ngoại trưởng Nga: Công thức hòa bình của Ukraine không khác tối hậu thư

Minh Phương

(Dân trí) - Nga tiếp tục bác "công thức hòa bình" do Ukraine đề xuất, cho rằng những đề xuất này không khác nào "tối hậu thư" cho Moscow.

Ngoại trưởng Nga: Công thức hòa bình của Ukraine không khác tối hậu thư - 1

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (Ảnh: Reuters).

"Mỹ và các đồng minh đang áp đặt "công thức hòa bình Zelensky" cho cộng đồng quốc tế. Họ đang cố gắng phô trương công thức này như một phương án giải quyết duy nhất. Thực tế, mọi người đều hiểu rằng phương án này không khác nào tối hậu thư đối với Nga và bất khả thi", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu tại cuộc họp của các đại diện nhóm BRICS ngày 31/1.

Nhà ngoại giao Nga nói thêm rằng, Washington không quan tâm đến số phận của người Ukraine.

Ông Lavrov cho hay, đến nay, viện trợ của Mỹ và các đồng minh cho Ukraine đã vượt 200 tỷ USD. Tuy nhiên, Moscow nhiều lần cảnh báo, viện trợ của phương Tây chỉ càng khiến xung đột kéo dài và leo thang, trong khi không thể thay đổi cục diện chiến trường.

Xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài gần hai năm nhưng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cuối năm 2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra bản đề xuất 10 điểm hay còn gọi là "công thức hòa bình" nhằm giải quyết xung đột.

"Công thức hòa bình" của ông Zelensky kêu gọi Nga rút hết quân, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine. Tuy nhiên, Moscow cho rằng đề xuất này của Kiev là phi thực tế.

Chính phủ của Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Moscow luôn sẵn sàng đàm phán chấm dứt xung đột với Kiev nhưng trước hết Ukraine cần hủy sắc lệnh cấm đàm phán với Nga và phải chấp nhận "thực tế mới về lãnh thổ". Nga hiện kiểm soát khoảng 17% lãnh thổ Ukraine.

Mặt khác, Nga nói rằng hiện không có dấu hiệu nào cho thấy Ukraine có thiện chí đàm phán. Do vậy, Nga sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự cho đến khi đạt tất cả mục tiêu đề ra.

Trong một diễn biến khác, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland ngày 31/1 cho rằng năm 2024 có tầm quan trọng chiến lược đối với Ukraine và sẽ mang lại những bước tiến quan trọng cho Kiev trên chiến trường.

"Ukraine sẽ đạt được một số thành công rất mạnh mẽ trong năm nay, khiến Nga phải bất ngờ", bà Nuland nói.

Bà tin rằng quốc hội Mỹ cuối cùng sẽ thông qua viện trợ bổ sung cho Ukraine bởi điều này có ý nghĩa quan trọng đối với sự sống còn của Kiev.

Quốc hội Mỹ đang xem xét đề nghị của Nhà Trắng về gói ngân sách hơn 100 tỷ USD, trong đó dành khoảng 61 tỷ USD để viện trợ cho Ukraine.

Đến nay, quốc hội Mỹ vẫn chưa thể thông qua đề xuất này do bất đồng giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa về việc hạn chế làn sóng nhập cư trái phép ở khu vực biên giới Mỹ - Mexico. Các nghị sĩ Cộng hòa tuyên bố chỉ ủng hộ đề xuất ngân sách của Nhà Trắng khi chính quyền Tổng thống Joe Biden cam kết các giải pháp đảm bảo an ninh biên giới.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo, nếu quốc hội tiếp tục do dự, Nga sẽ giành chiến thắng ở Ukraine và kịch bản đó sẽ kéo theo hậu quả không chỉ với Ukraine mà còn với an ninh tập thể của Mỹ và đồng minh.

Theo Sputnik, Pravda
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm