1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine bắt đầu tấn công Nga bằng tên lửa tầm xa

Minh Phương

(Dân trí) - Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các hệ thống phòng không của nước này đã đánh chặn 5 tên lửa chiến thuật ATACMS mà Mỹ cấp cho Ukraine tại vùng Bryansk.

Ukraine bắt đầu tấn công Nga bằng tên lửa tầm xa - 1

Một tổ hợp ATACMS của Mỹ (Ảnh: Reuters).

"Vào lúc 3h25 sáng nay theo giờ địa phương, đối phương (Ukraine) đã tấn công một cơ sở ở tỉnh Bryansk bằng 6 tên lửa đạn đạo. Theo dữ liệu được xác nhận, Ukraine đã sử dụng tên lửa chiến thuật ATACMS do Mỹ sản xuất", Bộ Quốc phòng Nga cho biết ngày 19/11.

Thông cáo cho biết thêm, các hệ thống phòng không S-400 và Pantsir của Nga đã đánh chặn thành công 5 tên lửa, một tên lửa còn lại bị phá hủy, các mảnh vỡ rơi xuống khu vực kỹ thuật của một cơ sở quân sự ở vùng Bryansk.

Bộ Quốc phòng Nga cho hay, vụ tấn công không gây thiệt hại hay thương vong. Các mảnh vỡ gây cháy nhưng đám cháy đã được khống chế ngay sau đó.

ATACMS là tên lửa do Mỹ sản xuất và bắt đầu cung cấp cho Ukraine từ đầu năm ngoái. Theo Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, với tầm bắn 300km, ATACMS có thể tấn công ít nhất 245 mục tiêu quân sự của Nga, bao gồm 15 căn cứ không quân nằm ở các vùng Bryansk, Kaluga, Kursk, Lipetsk, Voronezh, Rostov và Krasnodar.

Truyền thông Ukraine trước đó đưa tin Kiev đã lần đầu tiên bắn tên lửa ATACMS vào lãnh thổ Nga. Cuộc tấn công được cho là nhằm vào một kho đạn dược ở vùng Bryansk.

Ukraine hiện chưa bình luận về thông tin trên. Thông tin được đưa ra sau khi New York Times đầu tuần này cho hay, Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã dỡ bỏ hạn chế, cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Washington viện trợ để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga.

Quyết định trên, nếu được xác nhận, sẽ cho thấy sự đảo ngược chính sách của chính quyền Tổng thống Biden. Ukraine từ lâu đã đề nghị Mỹ và các đồng minh phương Tây cho phép dùng vũ khí viện trợ tấn công vào lãnh thổ Nga, nhưng không được chấp thuận do các nước này lo ngại xung đột leo thang.

Sự thay đổi diễn ra vài tuần trước khi nhiệm kỳ của ông Biden kết thúc. Những người ủng hộ Ukraine lo ngại rằng Mỹ sẽ cắt viện trợ cho Kiev khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào tháng 1 tới.

Chính quyền của ông Biden được cho là đang thực hiện những nỗ lực cuối cùng nhằm giúp Ukraine cải thiện vị thế trong các cuộc đàm phán tiềm tàng trong thời gian tới. Hiện tại, Nga đang chiếm ưu thế trên chiến trường với tốc độ tiến công nhanh chưa từng có ở miền Đông Ukraine.

Động thái của chính quyền Tổng thống Biden dỡ bỏ hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ đã vấp phải những ý kiến trái chiều. Quyết định này nhận được sự hoan nghênh của Ukraine mà một số lãnh đạo phương Tây, song cũng bị chỉ trích là làm tăng nguy cơ leo thang xung đột.

Các đồng minh NATO, trong đó có Pháp và Đức, cho biết hiện tại họ chưa có ý định dỡ bỏ hạn chế với Ukraine.

Theo RT, Sputnik
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine