1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Báo Mỹ: Ông Biden cho phép Ukraine tấn công sâu vào Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Washington viện trợ để tấn công sâu vào Nga trong bối cảnh Moscow chiếm ưu thế trên chiến trường, truyền thông Mỹ đưa tin.

Báo Mỹ: Ông Biden cho phép Ukraine tấn công sâu vào Nga - 1

Một hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội (ATACMS) của Mỹ (Ảnh: Reuters).

Các báo lớn của Mỹ, trong đó có New York Times, CNN, ngày 17/11 đồng loạt đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đảo ngược chính sách lâu nay, cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công các mục tiêu quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

Theo một quan chức Mỹ, các loại vũ khí này dự kiến sẽ được sử dụng chủ yếu ở Kursk, một tỉnh biên giới của Nga trong bối cảnh Moscow tìm cách đẩy lùi lực lượng quân sự Ukraine ở đây trước khi chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức vào tháng 1 tới.

Ý tưởng này nhằm giúp Ukraine duy trì quyền kiểm soát một phần lãnh thổ Kursk càng lâu càng tốt. Kiev được cho là còn kiểm soát hàng trăm km2 lãnh thổ tại đây.

Các nguồn tin cho biết Ukraine có kế hoạch tiến hành các cuộc tấn công tầm xa đầu tiên vào lãnh thổ Nga trong những ngày tới bằng tên lửa có tầm bắn hàng trăm km, song không nêu rõ chi tiết.

Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ hiện chưa bình luận về thông tin trên.

Cùng ngày, báo Le Figaro đưa tin, Pháp và Anh cũng cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của họ để tấn công bên trong nước Nga. Theo đó, Kiev được sử dụng tên lửa SCALP và Storm Shadow để tấn công mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga.

Quyết định cho phép Ukraine sử dụng Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội (ATACMS) ở Nga đã được Washington xem xét trong nhiều tháng. Giới chức Mỹ vẫn chia rẽ về động thái này. Một số quan chức lo ngại nguy cơ leo thang xung đột, trong khi những người khác lo lắng tình trạng kho vũ khí đang cạn kiệt.

Ukraine từ lâu đã đề nghị Mỹ và các đồng minh, đối tác phương Tây dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế đối với Kiev trong việc sử dụng vũ khí tầm xa tấn công vào sâu lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, phương Tây ban đầu tỏ ra khá dè dặt với đề nghị này.

Động thái đảo ngược chính sách của Mỹ, nếu được xác thực, diễn ra trong bối cảnh Ukraine và phương Tây cáo buộc Triều Tiên triển khai tới 100.000 binh sĩ đến Nga để hỗ trợ chống lại lực lượng Ukraine. Kiev đang ở thế yếu khi Nga tăng cường phản công ở Kursk và tiếp tục đạt được bước tiến ở mặt trận miền Đông Ukraine.

Một số quan chức Mỹ hoài nghi việc cho phép tấn công tầm xa sẽ giúp Ukraine xoay chuyển cục diện chiến sự, nhưng theo Reuters, quyết định này có thể giúp Ukraine vào thời điểm quân Nga đang tiến nhanh, từ đó có thể đưa Kiev vào vị thế đàm phán tốt hơn trước bất cứ cuộc đàm phán ngừng bắn tiềm năng nào trong thời gian tới.

Không rõ liệu Tổng thống đắc cử Mỹ Trump có đảo ngược quyết định của ông Biden khi nhậm chức hay không.

Ông Trump từ lâu đã chỉ trích quy mô viện trợ tài chính và quân sự của Mỹ cho Ukraine và tuyên bố sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột Nga - Ukraine sau khi đắc cử, nhưng không nêu rõ giải pháp đó là gì.

Tổng thống đắc cử Mỹ hiện chưa bình luận về thông tin trên, song một số cố vấn của ông, trong đó có tỷ phú Elon Musk, đã chỉ trích quyết định "cởi trói vũ khí" cho Ukraine.

Theo Reuters, New York Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm