1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tổng thống Ukraine: "24 giờ tới là thời điểm sống còn"

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Ukraine Vololymyr Zelensky cho rằng 24 giờ tới sẽ là thời điểm quan trọng với đất nước ông, khi Nga vẫn đang triển khai chiến dịch quân sự tại đây.

Tổng thống Ukraine: 24 giờ tới là thời điểm sống còn - 1

Tổng thống Ukraine Vololymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

Hãng tin Reuters dẫn thông báo của chính phủ Anh cho biết, Tổng thống Ukraine Vololymyr Zelensky đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 27/2.

"Tổng thống Zelensky cho biết ông tin rằng 24 giờ tới là thời điểm sống còn đối với Ukraine. Thủ tướng (Johnson) cho biết ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp đảm bảo viện trợ quân sự từ Anh và các đồng minh sẽ đến được Ukraine", thông báo cho biết.

Trong thông báo trên Twitter, Tổng thống Zelensky cũng xác nhận cuộc gọi với Thủ tướng Johnson.

"Vừa trao đổi với Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda về tình hình an ninh hiện nay. Đã nhất trí về các bước phối hợp tiếp theo để đối phó với kẻ gây hấn. Liên minh chống chiến tranh hành động!", ông Zelensky viết trên Twitter.

Tuyên bố của Tổng thống Zelensky được đưa ra trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga vẫn đang diễn ra tại các thành phố ở Ukraine, bất chấp 2 bên đã đồng ý bước vào bàn đàm phán.

Nga được cho là đang tăng cường lực lượng áp sát thủ đô Kiev sau khi tìm cách chọc thủng thành trì Khariv - thành phố lớn thứ hai của Ukraine. Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết các lực lượng của Nga tiếp tục "pháo kích từ gần như tất cả mọi hướng" trong ngày 27/2, nhấn mạnh đây là thời gian "vô cùng khó khăn" với Ukraine.

Các ảnh chụp vệ tinh thương mại của hãng Maxar công bố ngày 27/2 cho thấy đoàn xe quân sự dài hơn 5 km của Nga tiến về Kiev, cách thủ đô của Ukraine khoảng 64 km về phía Tây Bắc. Cùng lúc đó, các máy bay chiến đấu từ Belarus được cho là cũng đang hướng về phía Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 27/2 yêu cầu lực lượng răn đe chiến lược, trong đó có các đơn vị vũ khí hạt nhân, cảnh giác cao độ và chuyển sang trạng thái báo động, sẵn sàng nhận lệnh chiến đấu. Động thái này của nhà lãnh đạo Nga làm dấy lên nhiều lo ngại vì Nga hiện là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo hàng đầu thế giới.

Mỹ cho rằng Tổng thống Putin đang leo thang xung đột khi đưa ra mệnh lệnh nguy hiểm về lực lượng hạt nhân. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho rằng đây là hành động leo thang căng thẳng không thể chấp nhận được.

Nga cho biết kể từ khi chiến dịch quân sự bắt đầu nổ ra, quân đội nước này đã phá hủy 1.067 mục tiêu thuộc cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine, bao gồm 27 trạm kiểm soát và trung tâm liên lạc, 38 hệ thống tên lửa phòng không S-300, Buk M-1, Osa và 56 trạm radar. Ngoài ra, 254 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác, 31 máy bay chiến đấu, 46 hệ thống tên lửa phóng loạt, 103 pháo và súng cối, 164 xe quân sự đặc biệt của Ukraine cũng bị vô hiệu hóa.

Vào cuối ngày 27/2, Ukraine chấp nhận đàm phán với Nga tại thành phố Gomel của Belarus sau khi Nga đưa một phái đoàn tới đây. Giới chức Ukraine khẳng định, đây là một cuộc đàm phán vô điều kiện và Kiev sẵn sàng đàm phán nhưng sẽ không đầu hàng.

Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky nói rằng ông không tin vào kết quả cuộc đàm phán, đồng thời tiếp tục kêu gọi phương Tây hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến đối phó với Nga. Ngoại trưởng Ukraine nhận định, việc Tổng thống Putin lệnh lực lượng hạt nhân vào tình trạng báo động cao nhằm gia tăng sức ép với phái đoàn Ukraine trước cuộc đàm phán.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm