1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tổng thống Putin muốn nhanh chóng chấm dứt xung đột với Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Nga cũng như tất cả các thành viên của khối BRICS đều mong muốn giải quyết xung đột Ukraine một cách hòa bình và nhanh nhất có thể.

Tổng thống Putin muốn nhanh chóng chấm dứt xung đột với Ukraine - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AFP).

"Mọi người đều mong muốn, quyết tâm chấm dứt xung đột Ukraine càng nhanh càng tốt và tốt nhất là bằng các biện pháp hòa bình. Các bạn biết rằng Trung Quốc và Brazil đã đưa ra sáng kiến trong cuộc họp ở New York", Tổng thống Nga Putin phát biểu hôm 24/10 tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 tại Kazan, Nga.

Nhà lãnh đạo Nga nói thêm, nhiều nước thành viên BRICS (Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Nga và Trung Quốc) ủng hộ đề xuất này và Nga rất biết ơn các đối tác đã tìm cách giải quyết xung đột.

Chủ nhân Điện Kremlin lưu ý Ukraine nhiều lần từ chối các cuộc đàm phán hòa bình "rất phi lý".

Tuần trước, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Putin nói, Ả Rập Xê Út có thể sẽ là địa điểm thích hợp cho một hội nghị thượng đỉnh tiềm năng nhằm chấm dứt xung đột Ukraine. Ông nhấn mạnh thêm, bất kỳ giải pháp cuối cùng nào cũng phải dựa trên dự thảo được chuẩn bị trong các cuộc đàm phán mà Kiev đơn phương hủy bỏ ở Istanbul vào mùa xuân năm 2022.

Theo ông Putin, phái đoàn Ukraine ban đầu thông qua một dự thảo hiệp ước trong đó cam kết Ukraine sẽ duy trì trạng thái trung lập và hạn chế quy mô quân đội, nhưng Kiev sau đó đột ngột từ bỏ các cuộc đàm phán.

Trong khi đó, giới chức Ukraine cho biết họ không tin tưởng Nga và các nhà lãnh đạo phương Tây đã khuyên họ không nên chấp nhận các điều khoản của Moscow.

Kể từ đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định rằng hòa bình chỉ có thể đạt được theo các điều kiện của Kiev, bao gồm cả việc khôi phục lãnh thổ Ukraine về biên giới năm 1991. Sau công thức hòa bình, ông Zelensky mới đây đưa ra cái gọi là "kế hoạch chiến thắng" gồm các điều khoản khác nhau, trong đó có yêu cầu Ukraine cần được mời gia nhập NATO. Tuy nhiên, Moscow nêu rõ, Nga không bao giờ chấp nhận Ukraine gia nhập NATO dưới bất kỳ hình thức nào. Một số nước phương Tây cũng không ủng hộ việc sớm mời Kiev gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt.

Tổng thống Putin tháng trước cho biết, ông tin rằng Ukraine rốt cuộc sẽ chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán bởi chiến dịch đột kích vùng biên giới Kursk ở Nga cuối cùng sẽ thất bại.

Theo nhà lãnh đạo Nga, sau gần 3 tháng, Ukraine đã mất hơn 26.000 quân cho chiến dịch Kursk sau khi mất 16.000 quân trong cuộc phản công mùa hè năm ngoái.

Tuy vậy, ông cũng nhấn mạnh: "Sẽ tốt hơn nếu ngồi vào bàn đàm phán và tiến hành các cuộc đàm phán này, xuất phát từ thực tế và tình hình thực tế hơn là trích dẫn những con số này".

Trong các bình luận gần đây, giới chức Nga đều khẳng định quan điểm, Moscow không từ chối đàm phán, song đàm phán phải dựa trên tình hình thực tế.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm