1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga nêu điều kiện đạt thỏa thuận hòa bình chấm dứt xung đột Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức Nga tuyên bố bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào nhằm chấm dứt xung đột với Ukraine cũng phải loại trừ tư cách thành viên của Kiev trong khối NATO do Mỹ lãnh đạo.

Nga nêu điều kiện đạt thỏa thuận hòa bình chấm dứt xung đột Ukraine - 1

Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia (Ảnh: AFP).

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình ở Ukraine, Đại diện thường trực của Moscow tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia đã đề cập đến tuyên bố của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng Kiev cần phải là thành viên trong khối NATO do Mỹ lãnh đạo hoặc sở hữu vũ khí hạt nhân.

"Việc Ukraine gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương dưới bất kỳ hình thức lãnh thổ nào hoàn toàn không được Nga chấp nhận và không thể là một phần của bất kỳ kế hoạch hòa bình hoặc sáng kiến hòa giải nào", ông Nebenzia phát biểu tại cuộc họp hôm 21/10.

Đặc phái viên Nga cũng lập luận rằng, "hành động đe dọa hạt nhân" của Tổng thống Zelensky tương đương với tuyên bố công khai về ý định vi phạm hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) của Ukraine và chứng tỏ sự đúng đắn của Moscow khi quyết định tiến hành chiến dịch quân sự, "sau những lời đe dọa hạt nhân tương tự từ giới lãnh đạo Ukraine".

"Các mối đe dọa an ninh đối với đất nước chúng tôi không thể bị loại bỏ nếu không phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine, và nếu không đảm bảo rằng các quyền và tự do của tất cả công dân Ukraine được tôn trọng", ông Nebenzia phát biểu trước Hội đồng Bảo an.

Nhà ngoại giao Nga gọi "kế hoạch chiến thắng" của Tổng thống Zelensky là nỗ lực lôi kéo NATO vào "một cuộc xung đột trực tiếp, thay vì xung đột ủy nhiệm" với Nga. Ông cáo buộc nhà lãnh đạo Ukraine đã mạo hiểm đẩy toàn bộ thế giới vào ngày tận thế hạt nhân chỉ để nắm giữ quyền lực.

Ông Nebenzia dẫn lời của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda khi mô tả Ukraine là một "người đang chết đuối", tìm cách "kéo những người đang cố gắng giúp đỡ họ xuống vực sâu".

Nhà ngoại giao Nga khẳng định, Moscow sẵn sàng và mong muốn có mối quan hệ láng giềng tốt đẹp với một đất nước Ukraine trung lập và không thù địch, như đã được ghi trong hiến pháp Ukraine và các hiệp ước song phương khác. Tuy nhiên, Kiev đã bác bỏ tất cả tài liệu này.

Mỹ và các đồng minh đã cung cấp cho Ukraine gần 200 tỷ USD viện trợ quân sự, tài chính và kinh tế, trong khi vẫn khẳng định điều này không khiến họ tham gia vào cuộc xung đột với Nga.

Trong tuyên bố vào tháng 7 tại Washington, NATO mô tả tư cách thành viên của Kiev là "không thể tránh khỏi", nhưng chỉ kết nạp "khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng". Ít nhất một thành viên của khối, Slovakia, đã tuyên bố sẽ phủ quyết tư cách thành viên của Ukraine vì lo ngại điều đó sẽ dẫn đến xung đột trực tiếp với Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 6 đã đưa ra một đề xuất hòa bình mới nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Đề xuất này dự kiến công nhận bán đảo Crimea, Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk (tự xưng) cũng như các vùng Kherson và Zaporizhia là các khu vực của Nga, duy trì tình trạng không liên kết và phi hạt nhân của Ukraine, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa nước này cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga. Ông Putin cũng kêu gọi Ukraine duy trì tình trạng trung lập, không gia nhập NATO.

Ukraine đã bác bỏ sáng kiến này. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mô tả đề xuất của Moscow là tối hậu thư.

Cuối năm 2022, Tổng thống Zelensky đã đưa ra công thức hòa bình gồm 10 điểm để đi đến chấm dứt xung đột với Nga. Trong số các điểm của công thức hòa bình này có yêu cầu Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine và bồi thường chiến tranh cho Kiev.

Theo RT