1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống mới đắc cử Obama và những thách thức hiện hữu

(Dân trí) - Trong hơn 70 ngày nữa, Tổng thống Barack Obama sẽ phải gồng vai gánh vác trách nhiệm đưa nước Mỹ thoát ra khỏi hai cuộc chiến, vượt qua trận địa tan hoang của cuộc khủng hoảng toàn cầu, và đối mặt với một ngân khố liên bang trống rỗng…

Obama có lợi thế ban đầu là nhận được sự yêu mến của người dân trên khắp toàn cầu, những người được “thở phào” vì những năm tháng với ông Bush đang đi đến hồi kết. Bản thân Tổng thống Bush cũng đã có những bước đi tiền đề cho Obama, như đi xa hơn đối với Iran và Syria trong những tháng sắp mãn nhiệm của mình, gửi người “thăm dò” tới Syria, cho phép nhà ngoại giao cấp cao Mỹ tham gia đàm phán với Iran.

 

Tuy nhiên, tân Tổng thống, người vẫn chưa được thử thách trong những vấn đề đối ngoại, phải đối mặt với một bức tranh toàn cầu có thể được xem như là bất ổn nhất kể từ những năm 1930-1940.

 

Iraq, nơi Obama đã hứa sẽ rút hết quân Mỹ về cho tới mùa hè năm 2010, đã bớt bạo lực hơn, nhưng còn lâu mới ổn định và tự lực được. Trong khi đó, Al-Qaida và Taliban ngày một lớn mạnh và hiện đang kiểm soát một số vùng ở Afghanistan cũng như các vùng bộ lạc của Pakistan. Hơn nữa, mọi biện pháp trừng phạt hay thoả hiệp cũng không thể ngăn Iran ngưng phát triển chương trình hạt nhân của mình.

 

Mỹ vẫn là một cường quốc hùng mạnh của thế giới, nhưng ít hùng mạnh hơn trước và đang chịu sự thách thức ngày càng tăng của Trung Quốc, Nga và các nước khác.

 

“Tổng thống Obama sẽ là tổng thống thời chiến ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức. Ông ấy sẽ phải đưa ra quyết định tức thời, và phải nắm lấy các ưu tiên an ninh quốc gia tức thời”, Anthony Cordesman, thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế, một viện chính sách của Washington, phân tích.

 

Trong bài phát biểu vào tuần trước, Giám đốc tình báo quốc gia Michael McConnell cũng đã dự đoán, niềm vui thắng cử của người chiến thắng “sẽ bị làm cho “cụt hứng” khi ông bắt đầu tập trung vào thực tế với vô số những thay đổi và thách thức mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong tương lai”.

 

Thử thách đầu tiên của Obama có thể đã đến vào hôm thứ tư, 5/11, vừa qua, ngày đầu tiên với tư cách là Tổng thống mới đắc cử. Tổng thống Medvedev đã tuyên bố trong thông điệp liên bang đầu tiên của mình rằng Nga sẽ triển khai các tên lửa tầm ngắn ở gần biên giới với Ba Lan, nếu Obama tiếp tục với kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của Bush tại Ba Lan và Cộng hoà Séc.

 

Khủng hoảng tài chính toàn cầu, hơn bất kỳ vấn đề nào khác, có thể trói buộc sự linh hoạt của Obama trong các vấn đề quốc phòng và đối ngoại, như liệu có tăng cường lực lượng quân sự Mỹ như lời ông đã hứa khi tranh cử, liệu có tăng cường viện trợ nước ngoài nhằm mở rộng ảnh hưởng của Mỹ hay không.

 

“Tôi nghĩ vấn đề trên sẽ chiếm khá nhiều thời gian và công sức của Tổng thống trước khi nó được giải quyết”, James Dobbins, thuộc công ty RAND, một công ty nghiên cứu về quốc phòng và quan hệ quốc tế, nhận xét. “Chính quyền (của Obama) sẽ không thoát ra khỏi tình hình hiện nay” ngay lập tức với những sáng kiến chính sách đối ngoại mới.

 

Richard Haass, chủ tịch Uỷ ban đối ngoại, cho rằng tình hình tồi tệ hiện tại không phải là tổng hợp của các thách thức Mỹ đối mặt mà là thực tế: quân đội Mỹ đang bị bế tắc ở Iraq và Afghanistan, và cuộc khủng hoảng kinh tế cần phải được quan tâm.

 

“Đó sẽ là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống. Nó có thể sẽ giới hạn sự linh hoạt của Tổng thống, có thể dẫn tới gia tăng bất ổn ở một số nước trên thế giới”.

 

Obama đã cam kết sẽ rút hết quân khỏi Iraq trong vòng 16 tháng sau khi nhậm chức và tăng cường lực lượng Mỹ tại Afghanistan. Liệu ông có thể thực hiện được lời hứa đó hay không, chúng ta vẫn còn phải chờ.

 

Nếu lịch sử lặp lại, Obama, trên cương vị làm tổng thống, sẽ phải đối mặt với những thử thách sớm từ nước ngoài, hoặc là từ các nhà lãnh đạo thế giới muốn “đo” khí phách của ông, hoặc là từ những sự kiện bất ngờ. Bởi trước kia, ông Bush cũng đã bị thử thách ngay từ đầu nhiệm kỳ bằng vụ một chiếc máy bay do thám của Mỹ đâm vào một chiếc máy bay quân sự của Trung Quốc và rơi trên lãnh thổ Trung Quốc. Còn năm đầu tiên làm tổng thống của Bill Clinton, năm 1993, đã phải chứng kiến vụ đánh bom xe Trung tâm thương mại thế giới New York và cái chết của 18 lính Mỹ ở Mogadishu, Somalia.

 

Và có vẻ như Obama cũng sẽ không tránh khỏi một “lời chào” tương tự. "Các lãnh đạo  nước ngoài có thể có hoặc không chọn giải pháp “thử thách” Obama, nhưng có một điều tôi chắc rằng, các sự kiện sẽ thử thách ông”, Haass nhận xét.

 

Phan Anh
Theo AP