1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống Biden nêu rõ những điều Mỹ sẽ làm và không làm tại Ukraine

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nêu rõ quan điểm của nước Mỹ trong cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine.

Tổng thống Biden nêu rõ những điều Mỹ sẽ làm và không làm tại Ukraine - 1
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một bài phát biểu tại bang Pennsylvania vào tháng 3/2021 (Ảnh: Reuters).

"Miễn là Mỹ và các đồng minh không bị tấn công, chúng tôi sẽ không trực tiếp tham gia vào xung đột này bằng cách gửi quân đến Ukraine hoặc tấn công các lực lượng Nga. Mỹ cũng không khuyến khích và tạo điều kiện cho Ukraine thực hiện các cuộc tấn công ra ngoài biên giới của nước này", Tổng thống Joe Biden khẳng định trong một bài viết trên báo New York Times ngày 31/5.

Theo ông Biden, mục tiêu của Mỹ tại Ukraine không nhằm làm suy yếu hay lật đổ chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin. Thay vào đó, Mỹ mong muốn gây dựng một Ukraine dân chủ, độc lập, thịnh vượng, có chủ quyền cũng như được trang bị đầy đủ các phương tiện để răn đe và tự vệ trước các hành động gây hấn từ bên ngoài.

Tổng thống Biden hoàn toàn đồng tình với ý kiến của người đồng cấp Volodymyr Zelensky rằng cuộc xung đột tại Ukraine "sẽ chỉ kết thúc dứt điểm thông qua biện pháp ngoại giao". Tuy nhiên, ông Biden tuyên bố Mỹ sẽ tôn trọng mọi quyết định của chính phủ Ukraine và khẳng định sẽ không thuyết phục nước này nhượng lãnh thổ để đổi lấy hòa bình.

Cũng theo người đứng đầu Nhà Trắng, mọi cuộc đàm phán đều phản ánh diễn biến thực tế trên chiến trường. Chính vì lý do này, kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine nổ ra, Mỹ và đồng minh đã nhanh chóng gửi cho Ukraine một lượng lớn vũ khí và đạn dược để nước này có thể tăng cường sức mạnh trên tiền tuyến qua đó nâng cao vị thế trên bàn đàm phán.

Tổng thống Biden nêu rõ những điều Mỹ sẽ làm và không làm tại Ukraine - 2
Mỹ sẽ chuyển giao trực thăng Mi-17 mà nước này mua cho Afghanistan cho Ukraine (Ảnh: The Washington Post).

Ông Biden nhấn mạnh cam kết của Mỹ về việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine. Ông tiết lộ chính phủ Mỹ đã quyết định sẽ chuyển giao thêm tên lửa chống tăng Javelin, tên lửa phòng không Stinger, hệ thống pháo phản lực phóng loạt có độ chính xác cao, radar, máy bay không người lái và trực thăng Mi-17 cho các lực lượng của Tổng thống Zelensky. Tiết lộ này đã xóa tan đi nghi ngờ về việc Ukraine sẽ không nhận được các hệ thống pháo phản lực từ quân đội Mỹ. Tuy nhiên, có nhiều khả năng các hệ thống này cùng đạn dược đi kèm sẽ được điều chỉnh để giảm tầm bắn nhằm ngăn chặn Ukraine tấn công sang lãnh thổ Nga.

Thêm vào đó, Tổng thống Mỹ khẳng định nước này sẽ gửi thêm hàng tỷ USD hỗ trợ tài chính cho chính phủ Ukraine. Nhà Trắng cũng sẽ tích cực hợp tác với các đồng minh nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga cũng như phối hợp giải quyết khủng hoảng năng lượng và lương thực toàn cầu.

Phát biểu về sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Biden bày tỏ sự hoan nghênh với việc Phần Lan và Thụy Điểm xin gia nhập NATO. Ông tin tưởng rằng sườn phía Đông của NATO sẽ được củng cố với sự tham gia của hai đối tác an ninh có năng lực cao.

Cuối cùng, đề cập đến mối lo ngại về việc cuộc xung đột tại Ukraine có thể phát triển thành một cuộc chiến tranh hạt nhân, ông Biden cảnh báo: "Bất kỳ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào trong cuộc xung đột này, dù ở quy mô nào, sẽ là hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với Mỹ cũng như với phần còn lại của thế giới. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng".

Mặc dù vậy, Tổng thống Biden đã đưa ra lời trấn an rằng cho đến thời điểm hiện tại, giới chức quân đội Mỹ chưa tìm thấy dấu hiệu nào chứng minh Nga có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine.

Theo New York Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine