1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tổng thống Biden: Mỹ muốn Ukraine giành chiến thắng

Minh Phương An Hoàng

(Dân trí) - Giữa lúc chính trường Mỹ bất đồng về vấn đề viện trợ cho Ukraine, Tổng thống Joe Biden khẳng định Washington sẽ tiếp tục ủng hộ và muốn thấy Ukraine giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga.

Tổng thống Biden: Mỹ muốn Ukraine giành chiến thắng - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: Getty).

"Chúng tôi muốn thấy Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Như tôi đã nói, chiến thắng để đảm bảo Ukraine là một quốc gia độc lập, có chủ quyền", Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại Washington ngày 12/12.

Chủ nhân Nhà Trắng khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine những vũ khí quan trọng chừng nào chúng tôi có thể, bao gồm cả gói viện trợ 200 triệu USD mà ông mới phê duyệt.

"Tôi sẽ không quay lưng với Ukraine và người dân Mỹ cũng sẽ như vậy", Tổng thống Biden tuyên bố và cho biết thêm rằng ông đã sẵn sàng thỏa hiệp với quốc hội để gói viện trợ Ukraine được thông qua.

Chuyến thăm của ông Zelensky diễn ra không lâu sau khi Thượng viện Mỹ bác dự luật nhằm viện trợ bổ sung 60 tỷ USD cho Ukraine.

Hồi tháng 10, Tổng thống Biden đã đề xuất gói ngân sách trị giá 106 tỷ USD, trong đó dành hơn 60 tỷ USD cho Ukraine. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa nói rằng dự luật chỉ có thể được thông qua khi chính phủ của ông Biden chấp nhận những thay đổi về chính sách an ninh biên giới.

Vấn đề biên giới được xem là một trong những chính sách đối ngoại quan trọng mà đảng Cộng hòa đang hướng đến, bao gồm một chính sách nhập cư chặt chẽ hơn. Lưỡng đảng có thể nhượng bộ để mỗi bên đều đạt được mục tiêu, song, hiện vẫn chưa có bất kỳ động thái tiếp diễn nào được hai bên công khai thêm.

Theo khảo sát nội bộ vào cuối tháng 11/2023, đảng Cộng hòa khó lòng từ bỏ mục tiêu cắt viện trợ cho Kiev. Cụ thể, có đến 48% thành viên đảng Cộng hòa cho rằng Mỹ đang chi quá nhiều tiền cho cuộc chiến của Ukraine.

Với việc Mỹ là nhà tài trợ quan trọng nhất của Kiev trong cuộc xung đột với Nga, có thể nói, những chính trị gia đảng Cộng hòa này đang nắm trong tay phần lớn quyền định đoạt tương lai của cuộc chiến.

Mâu thuẫn trên chính trường Mỹ đang ảnh hưởng không nhỏ đến dòng viện trợ của Washington dành cho Kiev. Giới chức Ukraine thừa nhận, nếu không có viện trợ của Mỹ và các đồng minh, đối tác phương Tây, họ có thể vỡ trận.

Số liệu được Viện Kinh tế Thế giới Kiel tháng 8/2023 cho thấy, mức viện trợ mà các quốc gia châu Âu dành cho Kiev đã xuống mức kỷ lục, giảm gần 90% so với cùng kỳ năm 2022.

George Barros, trưởng nhóm Tình báo Không gian địa lý kiêm chuyên gia phân tích Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), nhận định vai trò của phương Tây trong cuộc chiến là quá lớn khiến sức mạnh của quân đội Ukraine khó duy trì sự ổn định.

Cuối tuần qua, Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska chia sẻ: "Tình trạng xung đột hiện tại phụ thuộc vào việc phương Tây còn muốn tiếp tục hỗ trợ Ukraine hay không. Nếu thế giới mệt mỏi, họ sẽ bỏ mặc chúng tôi".

Thế trận giữa Ukraine và Nga hiện rơi vào bế tắc. Cuộc chiến kéo dài đã khiến nhân lực, đạn dược và nhu yếu phẩm của hai bên tiêu hao đáng kể. Tuy nhiên, Nga vẫn có thể áp đảo Ukraine về mặt dự trữ khí tài hùng hậu, khiến Kiev luôn trong tình trạng cần đảm bảo nguồn hỗ trợ từ các đồng minh  được duy trì một cách liên tục.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson nói: "Nga dường như tin rằng tình trạng bế tắc quân sự kéo dài qua mùa đông năm nay sẽ làm cạn kiệt hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine và cuối cùng giúp Nga có được lợi thế ngay cả khi tổn thất lớn".

Tổng thống Zelensky: Ukraine sẽ không nhượng bộ lãnh thổ

Tổng thống Biden: Mỹ muốn Ukraine giành chiến thắng - 2

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Getty).

Bất chấp những khó khăn hiện nay, Tổng thống Ukraine Zelensky tiếp tục bác bỏ ý tưởng nhượng bộ lãnh thổ cho Nga để đổi lấy hòa bình.

"Điều đó hoàn toàn điên rồ. Người dân, gia đình và trẻ em của chúng tôi sống ở đó. Tất cả những điều này là một phần của Ukraine... Vấn đề không chỉ là đất đai mà còn là những người đang sống và số phận của họ, gia đình họ", ông nói.

Ông nhấn mạnh, Ukraine hy vọng sẽ không bị phương Tây, đặc biệt là Mỹ, bỏ rơi.

"Tôi đã nói chuyện rất nhiều với đại diện của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa Mỹ. Cả hai đảng đều cam kết hỗ trợ hoàn toàn. Chúng ta sẽ thấy điều đó, nhưng trước hết chúng tôi luôn tin tưởng vào sự hỗ trợ của đối tác chiến lược là Mỹ và chúng tôi cho rằng điều đó mọi chuyện sẽ tiếp tục như vậy và Ukraine sẽ không đơn độc", ông Zelensky nói.

Trước đó, thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Ohio JD Vance cho rằng Mỹ cần chấp nhận Ukraine có thể sẽ cần "nhượng bộ một vài lãnh thổ" cho Nga để chấm dứt xung đột. Theo ông, trọng tâm của Ukraine và các đồng minh, đối tác hiện nay nên là chấm dứt xung đột và thương vong.

"Điều mang đến lợi ích tốt nhất cho Mỹ là chấp nhận Ukraine sẽ phải nhượng bộ một vài lãnh thổ cho Nga và chúng ta cần đưa cuộc xung đột này tới hồi kết. Ý tưởng Ukraine sẽ đẩy lùi Nga cho tới biên giới năm 1991 là điều không thể xảy ra, không ai thực sự tin vào điều đó", ông Vance nói.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine