Chiến sự Nga - Ukraine
  1. Dòng sự kiện:
  2. Mỹ hoãn áp thuế trong 90 ngày
  3. Mỹ thúc đẩy đàm phán về xung đột Ukraine
  4. Động đất mạnh tại Myanmar

Thiếu "đầu tàu" Mỹ, châu Âu lúng túng với liên minh tự nguyện ở Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Châu Âu chưa thể chốt được kế hoạch cụ thể về sáng kiến liên minh tự nguyện ở Ukraine khi Mỹ vẫn chưa có bất cứ cam kết cụ thể nào.

Thiếu đầu tàu Mỹ, châu Âu lúng túng với liên minh tự nguyện ở Ukraine - 1

Từ trái qua phải: Quan chức phụ trách đối ngoại của EU Kaja Kallas trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu (Ảnh: Telegraph)

Liên minh quân sự do Pháp và Anh dẫn đầu đã không đưa ra được kế hoạch rõ ràng về việc duy trì trật tự sau chiến sự tại Ukraine, theo lời nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) Kaja Kallas.

Khi được hỏi vào ngày 12/4 liệu cuộc họp một ngày trước đó tại Brussels, Bỉ có giúp làm rõ các chiến lược hậu chiến hay không, bà Kaja Kallas thẳng thắn trả lời: "Không".

"Các quốc gia thành viên có quan điểm khác nhau và các cuộc thảo luận vẫn đang tiếp diễn," bà nói thêm.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey cho rằng kế hoạch của "liên minh những nước sẵn sàng hành động" là "thực tế" và đã "tiến triển tốt."

Cuộc họp do ông Healey và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu chủ trì đã quy tụ quan chức quốc phòng từ 30 quốc gia trong liên minh, nhưng tiến độ thảo luận bị trì trệ.

Bloomberg trước đó dẫn các nguồn thạo tin giấu tên cho biết, kế hoạch triển khai binh sĩ tới Ukraine của Anh - Pháp đang bị đình trệ vì Mỹ chưa đưa ra bất cứ cam kết cụ thể nào cho sáng kiến này.

Chính quyền ông Donald Trump đã tuyên bố không tham gia lực lượng "bảo đảm an ninh" này, song Anh và Pháp đang nỗ lực thuyết phục Washington ít nhất đóng góp năng lực không quân, tình báo hoặc giám sát biên giới nhằm hỗ trợ cho nỗ lực của liên minh.

Anh và Pháp đang lên kế hoạch trình bày với Tổng thống Trump một kế hoạch toàn diện nhằm thiết lập "lực lượng đảm bảo an ninh" cho Ukraine sau chiến sự, với kỳ vọng có thể thuyết phục ông tham gia cam kết bảo vệ Kiev, theo Bloomberg.

Trong vòng 2 tuần tới, các đại diện quân sự của nhóm "liên minh tự nguyện" sẽ thống nhất các chi tiết về cách bảo vệ không phận, đường bờ biển và lãnh thổ Ukraine, cũng như kế hoạch khôi phục lực lượng vũ trang nước này.

Paris và London kỳ vọng bản kế hoạch cuối cùng sẽ đủ sức thuyết phục ông Trump đóng vai trò "hậu thuẫn" bằng các năng lực như không quân, an ninh biên giới và hỗ trợ tình báo.

Bloomberg cho biết 30 quốc gia thành viên của "liên minh tự nguyện" đã được đề nghị nêu rõ bằng văn bản mức độ cam kết đối với lực lượng đảm bảo an ninh. Tuy nhiên, chỉ chưa tới 10 nước xác nhận sẵn sàng triển khai binh sĩ, trong khi 15 quốc gia khác bày tỏ thiện chí gửi trang thiết bị cho Ukraine.

Theo các nguồn tin, các tổng tham mưu trưởng và bộ trưởng quốc phòng của Anh và Pháp sẽ phân tích toàn bộ phản hồi trong tháng 4 nhằm xây dựng kế hoạch cụ thể trình lên ông Trump.

Trong một diễn biến bất ngờ, cùng ngày 5/4, đặc phái viên ngoại giao của ông Donald Trump đã có chuyến thăm tới Điện Kremlin để hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo nguồn tin từ Axios, ông Steve Witkoff - nhân vật thân tín của ông Trump - được cho là đã chuyển tới ông Putin thông điệp thể hiện sự thất vọng của ông Trump khi Nga chưa chịu ký thỏa thuận ngừng bắn.

Axios tiết lộ thêm rằng ông Witkoff đã cảnh báo ông Putin phải chấp nhận một đề xuất ngừng bắn trước cuối tháng nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt tài chính mới.

Tại Brussels, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cho biết ông chỉ biết về chuyến đi của Witkoff "vào hôm nay".

Theo Telegraph
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine