1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thành viên NATO thừa nhận không còn khả năng viện trợ vũ khí cho Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Cộng hòa Séc Petr Pavel cho rằng, nước này đã gửi cho Ukraine mọi vũ khí có thể từ kho dự trữ của mình.

Thành viên NATO thừa nhận không còn khả năng viện trợ vũ khí cho Ukraine - 1

Tổng thống Séc Petr Pavel (Ảnh: EPA).

"Chúng tôi không chỉ cung cấp cho họ những gì chúng tôi có từ kho dự trữ, mà còn mua từ nước ngoài", Tổng thống Séc Petr Pavel cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Suddeutsche Zeitung của Đức hôm 22/3.

Ông cho biết thêm, Séc vẫn có thể sản xuất một số hệ thống phòng không và đạn dược mà Ukraine cần, nhưng điều này bị hạn chế do thiếu lao động. Ông nói, Séc là một trong những nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất châu Âu, có rất ít người lao động tới đây. Tuy nhiên, theo ông, vẫn còn cơ hội thông qua việc đưa người lao động từ Ukraine đến Séc.

Tổng thống Séc nhận định, năm 2023 sẽ mang tính quyết định đối với xung đột Nga - Ukraine. Ông Pavel, người từng hoạt động trong lĩnh vực tình báo và là chủ tịch ủy ban quân sự của NATP giai đoạn 2015-2018, cảnh báo sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine có thể giảm dần theo thời gian do cái gọi là "hiện tượng mệt mỏi vì chiến sự dai dẳng".

Ông lý giải, bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra trong năm 2024, sự quan tâm của cử tri Mỹ khi đó sẽ chuyển từ đối ngoại sang đối nội. "Rõ ràng, chỉ châu Âu không thể duy trì mức độ hỗ trợ Ukraine như hiện nay. Nếu sự ủng hộ của Mỹ suy giảm, châu Âu cũng sẽ hành động tương tự", nhà lãnh đạo Séc nhận định.

Do vậy, theo ông, Ukraine cần phải sẵn sàng cho kịch bản này khi lên kế hoạch cho các bước tiếp theo trên chiến trường. Ông cho rằng, Kiev khó khởi động chiến dịch phản công lớn vào năm tới.

Theo Bộ Quốc phòng Séc, nước này đã viện trợ khoảng 2,5 tỷ USD khí tài cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Tuy nhiên, Séc không tiết lộ cụ thể loại vũ khí đã chuyển cho Kiev vì vấn đề an ninh và chiến thuật.

Séc không phải thành viên NATO đầu tiên lên tiếng về tình trạng cạn kiệt kho dự trữ sau một thời gian dài cung cấp cho Ukraine. Politico hồi tháng 12 năm ngoái dẫn nguồn thạo tin cho biết, Pháp đã kín đáo thừa nhận gần như không thể cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine do kho vũ khí đang hao hụt.

Trong nỗ lực nhằm duy trì hỗ trợ cho Ukraine khi cuộc xung đột kéo dài, lãnh đạo 17 nước châu Âu và Na Uy mới đây đã nhất trí kế hoạch mua chung đạn dược. Theo đó, các nước sẽ rút đạn dược từ kho dự trữ của mình để cấp cho Kiev trong lúc chờ các nhà máy sản xuất theo đơn đặt hàng chung của khối. Các đơn hàng khi bàn giao sẽ được dùng để hỗ trợ Ukraine và bù đắp dự trữ của các nước.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, kế hoạch này đòi hỏi nỗ lực lớn và nhiều thời gian trong khi Ukraine cần phương Tây đẩy nhanh tốc độ viện trợ nhằm giúp nước này tiến hành chiến dịch phản công càng sớm càng tốt.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine