1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Cá sấu" Ka-52 Nga phóng tên lửa sát thủ, bắn nổ thiết giáp Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Quân đội Nga công bố video trực thăng Ka-52 tấn công tên lửa nhằm vào xe bọc thép Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 25/7 đã công bố video ghi lại cuộc tấn công bằng tên lửa, phóng từ trực thăng Ka-52 nhằm vào một xe bọc thép của Ukraine ở Zaporizhia.

Hình ảnh từ video cho thấy trực thăng Ka-52 phóng tên lửa dẫn đường bằng laser Vikhr (Cơn lốc) vào phương tiện đang đứng yên, với màn hình hiển thị hướng tiếp cận mục tiêu.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết xe bọc thép của Ukraine đã phát nổ sau khi trúng hỏa lực tên lửa của Nga.

"Cá sấu" Ka-52 Nga phóng tên lửa sát thủ, bắn nổ thiết giáp Ukraine (Nguồn: Sputnik).

Do trực thăng Nga bay ở khoảng cách vài km và Vikhr có tốc độ bay cao nên Ukraine sẽ chỉ có thể nhận ra mối đe dọa khi tên lửa sắp bay tới mục tiêu. Mặt khác, nếu phía Kiev nhận ra hỏa lực đối phương và di chuyển, Vikhr sẽ tự thay đổi đường bay để tìm tới mục tiêu. Vì vậy, xe bọc thép Ukraine rất khó để cơ động đối phó trong tình huống này.

Tên lửa "sát thủ" Vikhr được thiết kế đặc biệt để tấn công các mục tiêu bọc thép hạng nặng, bao gồm các phương tiện được trang bị giáp phản ứng nổ. Vikhr-M là loại tên lửa có tầm tấn công tới 10km và tốc độ tối đa 610m/s. Vikhr có thể xuyên qua lớp giáp thép đồng nhất dày tới 1.000mm nằm sau lớp giáp phản ứng nổ.

Ka-52 có thể mang tới 12 tên lửa Vikhr cùng lúc. Ưu thế áp đảo trên không của Nga và việc NATO không cung cấp đủ hệ thống phòng không cho Ukraine được cho là những yếu tố chính khiến chiến dịch phản công mùa hè của quân đội Ukraine không đạt được nhiều bước tiến như kỳ vọng.

Cá sấu Ka-52 Nga phóng tên lửa sát thủ, bắn nổ thiết giáp Ukraine - 1

Trực thăng tấn công Ka-52 (Ảnh: Sputnik).

Ka-52 (NATO gọi là Hokum-B) là trực thăng chiến đấu và do thám thế hệ kế tiếp, được thiết kế để đối phó với các phương tiện trên bộ cả bọc thép và không bọc thép, xe tăng, binh sĩ và trực thăng đối phương. "Cá sấu" Nga có thể được sử dụng cả trong nhiệm vụ chiến đấu và trinh sát.

Là phiên bản 2 chỗ ngồi của trực thăng Ka-50, trực thăng Ka-52 có thể hoạt động 24/24h và trong mọi điều kiện thời tiết.

Ka-52 được trang bị pháo tự động cỡ nòng 30mm và cũng có thể mang tên lửa chống tăng dẫn đường bằng laser, tên lửa không đối không tầm ngắn, các loại bom và tên lửa khác. Ka-52 có thể đạt vận tốc trên 290km/h và trần bay gần 5.000m.

Quân đội Ukraine cùng các nhà phân tích và quan chức phương Tây từ lâu đã nhấn mạnh sức mạnh của không quân Nga, bao gồm máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công, nhất là khả năng hạ gục tăng thiết giáp Ukraine. Ngoài ra, Kiev cũng thiếu hệ thống phòng không ở tiền tuyến để ngăn chặn máy bay Nga.

Nga hồi tháng 6 đã triển khai thêm 20 trực thăng, trong đó có mẫu Ka-52, tới sân bay tại thành phố Berdyansk nằm cách Orikhiv khoảng 100km. Đây là một trong những căn cứ chính phục vụ cho các hoạt động của trực thăng Nga.

Tuy nhiên, trực thăng Ka-52 vẫn không tránh được những sai lầm trên chiến trường. Bộ Quốc phòng Nga hồi đầu tháng 6 công bố video trực thăng "Cá sấu" sử dụng cảm biến để phóng tên lửa vào vật thể được cho là xe tăng Leopard 2 trên cánh đồng trống, nhưng giới chuyên gia phương Tây sau đó nhận định mục tiêu bị hạ là xe phun thuốc trừ sâu.

"Cá sấu" cũng rất dễ bị tên lửa đất đối không tấn công khi ở trong tầm bắn. Nga đã mất ít nhất 35 chiếc Ka-52 kể từ tháng 2/2022, theo trang theo dõi thông tin tình báo mở Oryx.

Theo Sputnik