1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Tây Ban Nha có thể tung vũ khí pháp lý để ngăn Catalonia "dứt áo" ra đi

(Dân trí) - Điều 155 của hiến pháp Tây Ban Nha chưa từng được sử dụng trước đó, và Madrid tuyên bố có thể thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc ly khai của Catalonia. Cuộc khủng hoảng tại xứ Catalan giàu có đang nóng lên từng ngày.


Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy (trái) và lãnh đạo Catalonia Carles Puigdemont (Ảnh: GETTY IMAGES/AFP)

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy (trái) và lãnh đạo Catalonia Carles Puigdemont (Ảnh: GETTY IMAGES/AFP)

Cuộc khủng hoảng nóng từng ngày

Catalonia, một vùng tự trị giàu có ở đông bắc Tây Ban Nha, ngày 1/10 đã tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Tây Ban Nha. Kết quả cho thấy 90% trong tổng số 2,3 triệu người đi bỏ phiếu ủng hộ độc lập. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu chỉ đạt 43%. Tây Ban Nha đã tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý là bất hợp pháp.

Cuộc trưng cầu dân ý đã gây chia rẽ sâu sắc trong số 7,5 triệu dân của Catalonia. Hồi cuối tuần qua, một cuộc biểu tình rầm rộ ủng hộ đoàn kết đã diễn ra tại Barcelona, thủ phủ của Catalonia, đối lập với nhiều cuộc biểu tình ủng hộ độc lập diễn ra tại thành phố này trước đó.

Theo luật của Catalonia - vốn không được Madrid công nhận, quốc hội vùng có thể đưa ra tuyên bố chính thức về sự độc lập của xứ Catalan trong vòng 2 ngày sau khi kết quả trưng cầu dân ý chính thức được công bố.

Lãnh đạo Catalonia Carles Puigdemont ngày 10/10 đã phát biểu trước quốc hội rằng Catalonia đã có được quyền trở thành quốc gia độc lập, nhưng chưa chính thức đưa ra tuyên bố độc lập đơn phương.

Thay vào đó, ông đề nghị quốc hội Catalonia hoãn thi hành tuyên bố độc lập để cho phép khởi động các cuộc đàm phán với giới chức tại Madrid nhằm đạt được việc độc lập của Catalonia.

Điều khoản 155


Vùng Catalonia đang muốn tách khỏi Tây Ban Nha để trở thành một quốc gia độc lập (Đồ họa: BBC)

Vùng Catalonia đang muốn tách khỏi Tây Ban Nha để trở thành một quốc gia độc lập (Đồ họa: BBC)

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Tây ban Nha Mariano Rajoy đã tuyên bố không loại trừ việc kích hoạt điều khoản 155 để tước quyền tự trị của Catalonia và thực thi việc kiểm soát trực tiếp từ Madrid đối với vùng này.

Điều khoản 155 trong hiến pháp năm 1978 của Tây Ban Nha cho phép Madrid thực thi quyền kiểm soát trực tiếp trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng, nhưng chưa từng được sử dụng trước đó.

Thủ tướng Rajoy ngày 11/10 cho biết chính phủ của ông đã đề nghị chính quyền Catalonia làm rõ liệu khu vực này đã tuyên bố độc lập hay chưa trước khi thực hiện bước đi tiếp theo.

Tây Ban Nha là một trong những quốc gia phân quyền về địa phương nhiều nhất trong các quốc gia phương Tây. Nước này có 17 vùng bán tự trị với các mức độ kiểm soát khác nhau đối với những vấn đề như giáo dục và chăm sóc y tế.

Theo AFP, điều khoản 155 quy định rằng nếu chính quyền của một khu vực vi phạm các điều khoản của hiến pháp hoặc “hành động theo hướng đe dọa nghiêm trọng lợi ích chung của Tây Ban Nha”, Madrid có thể “thực hiện các biện pháp cần thiết để buộc khu vực đó phải tuân thủ hoặc để bảo vệ lợi ích chung”.

Điều 155 cho phép nhà nước - trong trường hợp này là chính phủ trung ương tại Madrid - “kiểm soát các tổ chức chính trị và hành chính của khu vực tự trị”, Teresa Freixes, từ Đại học tự trị Barcelona nhận định.

Theo chuyên gia Javier Perez Royo từ Đại học Seville, các biện pháp có thể bao gồm “ngừng chính quyền khu vực, đặt lực lượng cảnh sát của Catalonia dưới sự kiểm soát của Bộ Nội vụ và thậm chí đóng cửa quốc hội vùng”.

Madrid có thể cũng quyết định kêu gọi bầu cử mới trong khu vực, với hi vọng ngăn chặn tham vọng độc lập.

Tuy nhiên, các biện pháp như vậy có thể thổi bùng căng thẳng tại một khu vực dù bị chia rẽ về vấn đề ly khai nhưng vẫn tự hào về quyền tự trị.

Thủ tướng Rajoy cũng không thể kích hoạt điều 155 đơn phương. Ông cần phải thông báo cho lãnh đạo Catalonia trước tiên về ý định của mình, cho phép ông Puigdemont có thời gian để cân nhắc.

Tiếp theo, Thủ tướng Rajoy sẽ làm việc với Thượng viện Tây Ban Nha, hiện do đảng PP của ông Rajoy kiểm soát.

Một ủy ban phải ủng hộ đề xuất của Thủ tướng, và các biện pháp pháp lý sẽ dẫn tới một cuộc bỏ phiếu.

Một thượng nghị sĩ giấu tên cho biết tiến trình trên có thể mất 1 tuần. Còn theo chuyên gia Perez Royo, tiến trình có thể từ 8-10 ngày.

Tuy nhiên, giáo sư Carlos Vidal, một chuyên gia luật tại Đại học UNED tại Madrid, cho biết với báo La Razon rằng trong vòng 1 tuần Madrid có thể khởi động việc giành lại các quyền lực từ Catalonia. Nhưng điều khoản 155 không vạch ra một giải pháp toàn bộ cho việc tự trị của Catalonia và hiến pháp cũng không nói rõ khung thời gian cho việc thực thi quyền kiểm soát trực tiếp.

Các công cụ khác


90% cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 1/10 ủng hộ Catalonia tách khỏi Tây Ban Nha (Ảnh: AP)

90% cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 1/10 ủng hộ Catalonia tách khỏi Tây Ban Nha (Ảnh: AP)

Điều khoản 155 chỉ là một trong nhiều phương án mà Thủ tướng Tây Ban Nha có thể thực hiện để ngăn cản kế hoạch ly khai của Catalonia.

Chính phủ có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp, cùng các biện pháp khác, mà theo luật pháp có thể dẫn tới các giới hạn về “việc tự do di chuyển và tụ họp” của các công dân.

Và một luật được ký vào năm 2015 có thể cho phép Madrid lập luận rằng cuộc khủng hoảng Catalonia dẫn tới một “tình huống gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia” và có thể nắm các quyền bổ sung.

Trong một cuộc phỏng vấn hồi cuối tuần qua, Thủ tướng Rajoy đã tuyên bố Madrid có thể sử dụng mọi vũ khí trong kho pháp lý để ngăn chặn Catalonia độc lập.

Ngoài ra, chính phủ có thể thực hiện một bước đi nhằm xoa dịu phe ly khai đang chiếm ưu thế trong quốc hội Catalonia.

Phong trào đòi độc lập tại Catalonia đã mạnh lên sau một quán quyết của Tòa án hiến pháp Tây Ban Nha vào năm 2010, mà nhiều người Catalan coi là một sự xỉ nhục.

Phán quyết đó từ chối công nhân Catalonia là một nước bên trong Tây Ban Nha, và ngôn ngữ Catalan không được ưu tiên hơn tiếng Tây ban Nha trong vùng, và các biện pháp cho phép Catalonia có thêm quyền tự trị về tài chính đã bị bác bỏ.

Tòa án hiến pháp đã hành động sau khi đảng của Thủ tướng Rajoy đề nghị như vậy. Giờ đây, để hóa giải cuộc khủng hoảng, Madrid có thể nhất trí đàm phán và phục hồi các quyền tự trị mà Catalonia từng bị tước.

Madrid cũng có thể thay đổi Mục 92 của hiến pháp, cho phép một cuộc trưng cầu dân ý hợp pháp diễn ra. Nhưng điều đó dường như không có khả năng xảy ra, vì một đề xuất như vậy phải xuất phát từ chính phủ Tây Ban Nha và được nhà vua ủng hộ.

Có “cửa” để dàn xếp?

Tất nhiên là có. Việc độc lập của Catalonia không phải là không thể tránh khỏi.

Lãnh đạo Catalonia Carles Puigdemont đã kêu gọi đàm phán với Madrid trước đó, nhưng Tây Ban Nha kiên quyết từ chối.

Ông Puigdemont cũng muốn sự trung gian dàn xếp của quốc tế trong cuộc khủng hoảng, nhưng hiện chưa có dấu hiệu cho thấy điều đó, vì Madrid không muốn như vậy. Châu Âu - vốn thường lo ngại về các phong trào ly khai - lại xem cuộc khủng hoảng ở Catalonia là vấn đề nội bộ của Tây Ban Nha và không muốn can thiệp.

An Bình

Theo AFP, BBC