DMagazine

Sau 2 năm Covid-19 càn quét, thế giới vẫn loay hoay tìm lối thoát

(Dân trí) - Mặc dù thế giới đã có trong tay các công cụ để kiểm soát Covid-19, nhưng dịch bệnh vẫn chưa được xóa sổ hoàn toàn sau hơn 2 năm ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên.

SAU 2  NĂM COVID-19 CÀN QUÉT, THẾ GIỚI VẪN LOAY HOAY TÌM LỐI THOÁT 

 Mặc dù thế giới đã có trong tay các công cụ để kiểm soát Covid-19, nhưng dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát sau hơn 2 năm ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên.

Sau 2 năm Covid-19 càn quét, thế giới vẫn loay hoay tìm lối thoát - 1

Người dân tự xét nghiệm Covid-19 tại Đức (Ảnh: Reuters).

Bước sang năm thứ 3, đại dịch Covid-19 được dự đoán vẫn chưa chấm dứt, với sự xuất hiện của các biến chủng mới, sự suy yếu của vaccine và việc nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch. Nhưng ngay cả khi virus không bao giờ biến mất, tình trạng miễn dịch vẫn sẽ được cải thiện và thế giới rốt cuộc sẽ học cách sống chung với Covid-19. Hầu hết chuyên gia đồng tình với nhận định này.

"Phần lớn các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đều nghĩ rằng SARS-CoV-2 sẽ tồn tại ở đây. Con cháu của chúng ta vẫn sẽ bị nhiễm virus. Covid-19 sẽ trở thành một phần của lịch sử cho đến khi trở thành nguyên nhân gây bệnh cảm cúm thông thường", Paul Hunter, giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia, Anh cho biết.

Câu hỏi đặt ra là: Covid-19 sẽ kéo dài bao lâu? Theo CNN, câu trả lời phần lớn nằm trong tay chúng ta.

Đại dịch sẽ suy yếu dần nhờ các nỗ lực của con người như phát triển vaccine, truy vết tiếp xúc, phân tích bộ gene, triển khai các biện pháp ngăn chặn và hợp tác toàn cầu. Nói cách khác, thế giới đã có một "bộ công cụ" để chấm dứt đại dịch trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, sau hơn 20 tháng, bộ công cụ đó vẫn chưa được sử dụng theo cách tốt nhất.

"Vấn đề chính ở đây là: Chưa bao giờ có một kế hoạch nào được triển khai ở cấp độ toàn cầu", Andrea Taylor, trợ lý giám đốc các chương trình tại Viện Y tế Toàn cầu Duke, nhận định.

Theo bà Talyor, "chúng ta chưa đối phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng toàn cầu - chúng ta chưa thực sự có cơ sở hạ tầng, năng lực lãnh đạo, hoặc trách nhiệm".

Một số quốc gia đạt được kết quả tốt hơn trong việc ứng phó với Covid-19 so với những quốc gia khác. Nhưng để đẩy nhanh quá trình kết thúc đại dịch trên toàn thế giới, nhiều chuyên gia đã kêu gọi cách tiếp cận toàn cầu mới, đặc biệt là về vaccine, phương pháp điều trị và chia sẻ thông tin.

Các chuyên gia nói rằng nỗ lực như vậy là cách tốt nhất để chấm dứt đại dịch một cách nhanh chóng, nếu không, người dân trên khắp thế giới có thể vẫn phải sống dưới "đám mây Covid" cho đến năm 2022 hoặc lâu hơn nữa.

"Chúng ta biết trước điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cứ áp dụng cách tiếp cận mang tính riêng rẽ từng nước, nhưng dù sao chúng ta cũng đã làm như vậy rồi. Và chúng ta đang sống với hậu quả của điều đó", chuyên gia Taylor nhận định.

"Vũ khí" then chốt xua "đám mây" Covid-19

Sau 2 năm Covid-19 càn quét, thế giới vẫn loay hoay tìm lối thoát - 2

Nhân viên y tế Israel tiêm vaccine Covid-19 cho một sinh viên ngày 12/12 (Ảnh: AFP).

Theo Roberto Burioni, giáo sư vi sinh học và virus học tại Đại học San Raffaele ở Milan (Italy), "công cụ đầu tiên mà chúng ta có là vaccine".

Lần đầu tiên trong lịch sử, thế giới có thể phát triển các loại vaccine để đối phó với một loại dịch bệnh trong thời gian ngắn. Gần như tất cả vaccine Covid-19 đều có hiệu quả cao trong việc ngăn chặn bệnh nặng và hạn chế lây nhiễm. Trước đó, kỷ lục để một loại vaccine có mặt trên thị trường là 4 năm, nhưng Covid-19 đã phá vỡ mọi kỳ vọng và thiết lập lại tiêu chuẩn vàng trong lĩnh vực này.

Có thể dễ dàng nhận thấy vaccine quan trọng như thế nào đối với việc chấm dứt đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chỉ sản xuất vaccine thôi vẫn chưa đủ, mà vaccine phải được tiêm cho càng nhiều người càng tốt.

"Những gì chúng ta cần đạt được là tiêm chủng rộng rãi. Một kịch bản có thể xảy ra là, nếu chúng ta có thể tiêm chủng cho phần lớn người dân, loại virus này có thể vẫn lây nhiễm, nhưng sẽ không gây nhiều thiệt hại", chuyên gia Burioni nói.

Cùng với những nỗ lực không ngừng để khuyến khích những người chưa được tiêm chủng đi tiêm liều vaccine đầu tiên, các nước giàu đang thực hiện 2 kế hoạch chính cho chiến lược tiêm chủng của họ: đảm bảo trẻ em trong độ tuổi đi học được tiêm chủng và tiêm liều thứ 3 cho người đã tiêm đủ 2 liều.

"Việc tiêm phòng cho trẻ em có tác động rất lớn đến tương lai", chuyên gia Burioni nhấn mạnh.

Việc triển khai tiêm chủng cho trẻ em đang được triển khai ở nhiều nơi trên thế giới. Tại Mỹ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm gần đây đã phê duyệt vaccine Pfizer cho trẻ em từ 5-11 tuổi.

Đầu tháng 12, Anh đã công bố thỏa thuận mua thêm 114 triệu liều thuốc vaccine Pfizer cho 67 triệu công dân nước này trong năm 2022 và 2023. Nhiều quốc gia phát triển khác dự kiến cũng sẽ có động thái tương tự.

Tuy nhiên, thế giới đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy Covid-19 sẽ vẫn là mối đe dọa ở bất cứ đâu cho đến khi nó được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu. Các chuyên gia cảnh báo rằng cần phải có những hành động mạnh mẽ để đạt được mục tiêu đó.

Độ phủ vaccine có nơi thấp khó tin

Sau 2 năm Covid-19 càn quét, thế giới vẫn loay hoay tìm lối thoát - 3

 Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine tại Áo (Ảnh: Reuters).

Sự xuất hiện của biến chủng Omicron ở châu Phi, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược tiêm chủng ở các quốc gia nghèo hơn.

"Vẫn còn rất nhiều nơi trên thế giới có độ phủ vaccine thấp đến mức khó chấp nhận", chuyên gia Taylor nói.

Theo WHO, chưa đầy 8% người dân ở các nước thu nhập thấp được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19. Trong khi đó, 63,9% người dân ở các nước có thu nhập cao đã được tiêm ít nhất một mũi.

Ở Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, khoảng 70% người dân đã được tiêm ít nhất một mũi, theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu và Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC).

Hậu quả tiềm ẩn của sự chênh lệch về tiêm chủng là: Các biến chủng mới, có khả năng lây lan toàn cầu, đều được phát hiện ở những nơi từng trải qua các đợt bùng phát dịch lớn, không được kiểm soát và có tỷ lệ phủ vaccine thấp, chẳng hạn chủng Alpha ở Anh vào tháng 12 năm ngoái, Delta ở Ấn Độ vào tháng 2 năm nay và Omicron ở châu Phi vào tháng 11 vừa qua.

"Sự bất bình đẳng về vaccine sẽ kéo dài đại dịch. Cần cung cấp vaccine cho tất cả thế giới", Michael Head, nhà nghiên cứu cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Southampton, cho biết.

Các giải pháp cho vấn đề vaccine vẫn chưa thực sự rõ ràng, nhưng không hẳn ngoài tầm với của cộng đồng quốc tế.

Trước hết, nguồn cung vaccine cần được tăng lên và ổn định. COVAX, chương trình chia sẻ vaccine của WHO, hồi tháng 9 dự báo số liều vaccine được cung cấp cho các nước đang phát triển sẽ ít hơn 25% so với dự tính ban đầu.

"Trong suốt thời gian dài, chúng ta đã nói về toàn cầu hóa trong thương mại, tài chính, du lịch. Đại dịch này, cùng với biến đổi khí hậu, giống như một cuộc thử nghiệm. Nó nghiêm túc đòi hỏi chúng ta phải hành động trên quy mô toàn cầu" - Ana García, giáo sư y tế dự phòng và sức khỏe cộng đồng tại Đại học Valencia ở Tây Ban Nha

Chuyên gia Taylor cho rằng nguồn cung vaccine cần phải được đảm bảo một cách "đáng tin cậy" và "có thể dự đoán được". Thực tế cho thấy, một số quốc gia từng không nhận được liều vaccine nào trong suốt 3 tháng, nhưng có lúc họ lại nhận được hàng triệu liều.

Chuyên gia Michael Head, người đã công bố nghiên cứu về nguồn cung vaccine ở Ghana trong năm qua, nói thêm rằng khi vaccine chuyển đến Ghana thông qua COVAX, chúng thường gần hết hạn sử dụng và không được vận chuyển kèm tủ đông hoặc thiết bị cần thiết để bảo quản. Ông kêu gọi thành lập các trung tâm sản xuất vaccine mới ở châu Phi để có thể thiết lập chương trình tiêm chủng đáng tin cậy hơn.

Sau 2 năm Covid-19 càn quét, thế giới vẫn loay hoay tìm lối thoát - 4

Biểu đồ so sánh tỷ lệ tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 tại một số quốc gia trên thế giới (Nguồn: Our World in Data).

WHO cho biết vaccine bị thiếu hụt do một nhà máy của Johnson & Johnson không cung cấp vaccine đúng thời hạn cho COVAX hồi tháng 9. Trong khi đó, những vấn đề phát sinh tại một nhà máy sản xuất vaccine AstraZeneca ở Ấn Độ cũng gây ra các vấn đề về nguồn cung cho Anh và EU trong những tháng đầu năm 2020. Điều này cho thấy tác động đáng kể khi thế giới chỉ trông cậy vào một vài cơ sở sản xuất vaccine.

"Nguồn cung phải đi đôi với hỗ trợ tài chính để đảm bảo rằng những liều vaccine đó có thể đến tay người dân", chuyên gia Taylor nhận định.

Cả 2 chuyên gia Head và Taylor đều nhất trí rằng, các quốc gia giàu có hơn cũng nên tài trợ cho việc nghiên cứu cũng như trợ giúp trên thực địa cho các quốc gia khan hiếm vaccine.

Theo các chuyên gia, các biện pháp chống dịch ở từng quốc gia vẫn rất quan trọng khi Covid-19 tiến gần đến giai đoạn cuối. Các làn sóng Covid-19 sẽ tiếp tục tấn công các quốc gia khác nhau vào những thời điểm khác nhau, và "các quốc gia sẽ cần phải làm việc bằng kinh nghiệm và năng lực của chính mình".

Các chuyên gia cho rằng, các biện pháp được triển khai ở từng quốc gia phải kết hợp với tầm nhìn toàn cầu để đẩy nhanh việc chấm dứt đại dịch.

Quan điểm trên đã được các nhà lãnh đạo thế giới đề cập nhiều lần, nhưng các chuyên gia cho rằng thế giới vẫn chưa thực sự hành động. Các chuyên gia vẫn đang kêu gọi các quốc gia xích lại gần nhau trên mặt trận chống Covid-19. WHO tuần này đã kêu gọi thiết lập một hiệp ước toàn cầu để tránh những sai lầm tương tự trong trường hợp xảy ra đại dịch tiếp theo.

5 khuyến cáo để sống chung an toàn với Covid-19

Sau 2 năm Covid-19 càn quét, thế giới vẫn loay hoay tìm lối thoát - 5

Khách hàng được đo thân nhiệt trước khi vào cửa hàng tại Rome, Italy (Ảnh: EPA).

Mặc dù vẫn chưa được xác nhận, song khả năng biến chủng Omicron né tránh vaccine cho thấy rằng, không chỉ dựa vào công cụ vaccine để đưa thế giới trở lại cuộc sống bình thường một cách an toàn. Việc xóa sổ hoàn toàn virus là điều không thể xảy ra ở hầu hết các quốc gia trên thế giới vào thời điểm này, nhưng việc điều chỉnh thói quen cá nhân và thay đổi môi trường sống có thể giúp làm chậm tốc độ bùng phát của dịch bệnh.

"Đối với mỗi cá nhân, chúng ta nên tiếp tục bảo vệ bản thân và bảo vệ những người xung quanh chúng ta thông qua khẩu trang, giãn cách xã hội và tiêm chủng", Ana García, giáo sư y tế dự phòng và sức khỏe cộng đồng tại Đại học Valencia ở Tây Ban Nha, cho biết.

Theo Bloomberg, ngoài tiêm vaccine, các chuyên gia y tế đã đưa ra một số khuyến cáo để thế giới chung sống an toàn với Covid-19.

Cải thiện chất lượng không khí

Các giọt bắn và các hạt rất nhỏ mang virus tiếp tục lan truyền trong không khí, đặc biệt trong không gian kín. Điều này đồng nghĩa với việc các văn phòng, nhà hàng, trường học, phương tiện giao thông công cộng như xe buýt và tàu cần được đảm bảo an toàn hơn.

Lidia Morawska, Giám đốc Phòng thí nghiệm Quốc tế về Chất lượng Không khí và Sức khỏe tại Đại học Công nghệ Queensland, cho biết trong các tòa nhà nơi không khí được tuần hoàn, không khí cần phải được xử lý qua các bộ lọc để loại bỏ các hạt siêu nhỏ và có thể là virus.

Nguy cơ lây lan virus có thể cao hơn tại các nhà hàng, nơi chỉ có hệ thống điều hòa không khí tiêu chuẩn mà không có hệ thống thông gió và khách hàng cũng bỏ khẩu trang khi ăn. Do vậy, cần phải có máy lọc không khí được gắn trên tường ở các không gian công cộng. Ngoài ra, các biện pháp như mở cửa sổ hay dùng quạt để thổi các giọt bắn chứa virus cũng cần được lưu ý.

Một biện pháp khó thực hiện hơn là thiết lập các tiêu chuẩn về không khí trên quy mô quốc gia và yêu cầu mọi tòa nhà phải có hệ thống thông gió phù hợp để đáp ứng tiêu chuẩn chung.

Xét nghiệm nhanh và rẻ

Việc xét nghiệm Covid-19 nhanh tại nhà đóng vai trò rất quan trọng để các hoạt động kinh tế - xã hội có thể tiếp tục diễn ra bình thường. Tuy nhiên, chi phí xét nghiệm ở mỗi nước lại khác nhau.

"Vấn đề lớn nhất của Covid-19 là lây truyền qua đường không khí từ những người không có triệu chứng. Việc tự xét nghiệm âm tính cho phép những người không mắc bệnh có thể tiếp tục cuộc sống của mình", Kenji Shibuya, chuyên gia dịch tễ học và là giám đốc nghiên cứu của Tổ chức Nghiên cứu Chính sách Tokyo, cho biết.

Cơ quan y tế Anh khuyến cáo người dân nên làm xét nghiệm nhanh 2 lần mỗi tuần và tự cách ly nếu phát hiện virus. Anh cũng khởi động một chiến dịch vào đầu năm nay để cung cấp các xét nghiệm nhanh miễn phí.

Đức cũng triển khai xét nghiệm nhanh miễn phí ở các địa điểm rải rác khắp các thành phố. Bộ dụng cụ xét nghiệm có thể được mua với giá khoảng 2 Euro.

Chính quyền Singapore đã gửi hàng triệu bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh miễn phí cho các hộ gia đình. Từ năm tới, Singapore chỉ cho phép các nhân viên đã tiêm đủ liều vaccine hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính mới được đến nơi làm việc. Học sinh được yêu cầu làm xét nghiệm nhanh hai tuần một lần.

Đeo khẩu trang

Sau 2 năm Covid-19 càn quét, thế giới vẫn loay hoay tìm lối thoát - 6

Đeo khẩu trang được khuyến cáo là một trong những biện pháp hiệu quả để hạn chế lây nhiễm Covid-19 (Ảnh: Getty).

Mọi người được khuyến cáo đeo khẩu trang trong nhà, và ngay cả ở ngoài trời tại những nơi đông đúc. Điều này có nghĩa là đeo khẩu trang vào mùa đông, trên các phương tiện giao thông công cộng và máy bay.

Tạp chí Y khoa Anh cho biết việc đeo khẩu trang giúp giảm hơn 50% nguy cơ mắc Covid-19. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết bất kỳ ai từ 2 tuổi trở lên và chưa được tiêm chủng đầy đủ nên đeo khẩu trang ở những địa điểm công cộng trong nhà.

WHO khuyến cáo người đến những nơi đông đúc hoặc sự kiện trong nhà nên đeo khẩu trang và mở cửa sổ để tăng cường thông gió.

Làm việc từ xa

Cho phép người lao động làm việc linh hoạt tại nhà không chỉ giúp họ luôn thoải mái về tinh thần mà còn giúp hạn chế rủi ro về sức khỏe. Khi làm việc tại nhà, việc giảm số lượng người đi tàu và xe buýt trong giờ cao điểm sẽ làm giảm tình trạng đông đúc, tránh nguy cơ lây nhiễm.

Theo các nhà khoa học tại Đại học Cambridge, nguy cơ lây lan virus qua không khí có thể giảm gấp 4 lần bằng cách thu hẹp 50% quy mô làm việc tại văn phòng.

Hầu hết nhân viên làm việc trong các văn phòng thông thoáng, yên tĩnh không có khả năng lây nhiễm cho nhau qua các hạt trong không khí. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm sẽ trở nên cao hơn nếu văn phòng được thông gió kém hoặc nếu nhân viên tham gia vào các hoạt động đòi hỏi phải giao tiếp nhiều hơn.

Các chuyên gia cho biết khi ở trong văn phòng hoặc trường học, các biện pháp như đặt các bàn làm việc cách xa nhau hơn, giảm số người trong phòng và đeo khẩu trang khi giao tiếp sẽ có tác dụng giảm lây nhiễm.

Rửa tay thường xuyên

Theo CDC Mỹ, rửa tay thường xuyên vẫn là một trong những cách tốt nhất để bảo vệ người dân trước nguy cơ lây nhiễm. Khuyến cáo được đưa ra là rửa tay bằng xà phòng trong ít nhất 20 giây, đặc biệt là sau khi trở về từ nơi công cộng hoặc sau khi ho hay hắt hơi.

CDC cho biết nếu ở những nơi không có sẵn xà phòng và nước, chất khử trùng tay với nồng độ cồn ít nhất 60% cũng có thể hiệu quả.