1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Sai lầm trong chiến lược của phương Tây tại Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Sai lầm lớn nhất mà các chính phủ phương Tây mắc phải ở Ukraine có lẽ cho rằng thời gian có lợi cho họ, theo Straits Times.

Sai lầm trong chiến lược của phương Tây tại Ukraine - 1

Phương Tây đã đánh giá sai quy mô cuộc chiến ở Ukraine và thường đưa ra những quyết định muộn màng (Ảnh minh họa: Getty).

Khi Nga phát động chiến dịch tấn công quân sự Ukraine vào ngày 24/2/2022, không ai tin rằng Ukraine có thể trụ vững sau vài tuần. Tuy nhiên, 2 năm sau, Ukraine tiếp tục đối phó với chiến dịch của Moscow, chính phủ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn còn ở thủ đô Kiev.

Mặc dù vậy, khi cuộc chiến bước sang năm thứ 3,sự ủng hộ của quốc tế dành cho Ukraine dường như đang giảm dần.

Cung cấp vũ khí cho Ukraine hiện là một vấn đề chính trị - đảng phái gây chia rẽ sâu sắc ở Mỹ, khiến quốc hội gần như tê liệt.

Mặc dù hầu hết người châu Âu vẫn ủng hộ Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến, nhưng một cuộc khảo sát rộng rãi của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR) mới đây cho thấy chỉ 10% cử tri châu Âu tin rằng Ukraine có thể vẫn đánh bại Nga.

Còn quá sớm để kết luận rằng Ukraine thua trong cuộc xung đột này, nhưng rõ ràng là nếu Ukraine không nhận được số lượng lớn vũ khí mới trong vài tháng tới, nước này sẽ phải vật lộn để tiếp tục cuộc chiến.

Vậy điều gì đã xảy ra với chiến lược thành công ban đầu của phương Tây trong việc hỗ trợ Ukraine?

Báo Straits Times đã phân tích một số yếu tố dẫn đến sai lầm của phương Tây ở Ukraine.

Sai lầm từ đầu

vu-khi_Reuters - crop.jpeg

Binh sĩ Ukraine bốc dỡ lô vũ khí do Mỹ viện trợ tại một sân bay ở ngoại ô Kiev năm 2022 (Ảnh: Reuters.

Khi các cơ quan tình báo Mỹ theo dõi các động thái của Nga ngay từ đầu, thậm chí dự đoán chính xác ngày Moscow tấn công Ukraine, thì điều các chính phủ phương Tây phải làm là cung cấp vũ khí cho Ukraine trong một kịch bản xung đột kéo dài.

Tuy nhiên, phương Tây lại lên kế hoạch cho một chiến dịch với quy mô nhỏ hơn nhiều với những phương án như lập một chính phủ Ukraine lưu vong và trang bị vũ khí vừa phải cho các phong trào kháng chiến ở Ukraine.

Thực tế là, chiến dịch quân sự của Nga giai đoạn đầu không đạt được mục tiêu trong khi Ukraine gây bất ngờ với khả năng kháng cự của mình, điều này khiến tất cả sự chuẩn bị của phương Tây trở nên vô nghĩa.

Đến khi họ (phương Tây) nhận ra họ đang phải đối mặt với một cuộc xung đột nghiêm trọng nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II, họ buộc phải thay đổi chiến lược. Sự thay đổi đó diễn ra trong hỗn loạn và luôn muộn màng.

Mỹ và châu Âu ban đầu từ chối cung cấp pháo cho Ukraine, chỉ nhượng bộ và sau đó cung cấp nòng pháo. Họ loại trừ việc cung cấp xe tăng nhưng sau đó bất ngờ tuyên bố sẽ làm như vậy. Họ phủ nhận Ukraine có lực lượng không quân nhưng hiện họ đang đào tạo phi công Ukraine.

Mọi hệ thống vũ khí Ukraine cần cuối cùng cũng đã đến, nhưng thường chỉ sau khi bỏ lỡ cơ hội tạo ra sự khác biệt thực sự trên chiến trường.

Cùng với điều này là quan điểm của Mỹ rằng mặc dù Ukraine cần có đủ vũ khí để tự vệ nhưng nước này sẽ không có đủ khả năng quân sự để tấn công lãnh thổ Nga.

Cách tiếp cận này có thể hiểu được: trao cho Ukraine quyền ném bom Nga có thể dẫn đến một cuộc trả đũa hạt nhân của Nga và như Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói: "Mỹ sẽ không tham gia Thế chiến III ở Ukraine".

Tuy nhiên, cách tiếp cận này đồng nghĩa Ukraine đã chiến đấu với đôi tay bị trói: Họ chỉ được tấn công lực lượng Nga trên lãnh thổ Ukraine thay vì đưa cuộc chiến vào lãnh thổ của đối phương.

Sai lầm lớn nhất

Sai lầm trong chiến lược của phương Tây tại Ukraine - 3

Năm thứ 3 của cuộc chiến có thể sẽ gây thất vọng cho Ukraine (Ảnh: AFP).

Theo Straits Times, có lẽ sai lầm lớn nhất mà các chính phủ phương Tây mắc phải là cho rằng thời gian có lợi cho họ. Ở giai đoạn đầu, điều này không sai. Một liên minh gồm khoảng 50 quốc gia phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế sâu rộng nhất từng được đưa ra đối với Nga và đóng băng hầu hết tài sản của Nga ở nước ngoài.

Một liên minh tương tự cũng liên tục hỗ trợ Ukraine mọi thứ không chỉ vũ khí mà còn khả năng tiếp cận năng lực mạng, máy bay không người lái và tất cả sự hỗ trợ tài chính cần thiết để giữ cho nền kinh tế Ukraine phát triển.

Vì nền kinh tế của Nga không lớn hơn nền kinh tế của một quốc gia quy mô trung bình trong Liên minh châu Âu, nên giả định rằng, sớm hay muộn, Nga sẽ phải rút quân khỏi Ukraine.

Tuy nhiên, giả định đó đã sai. Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã bỏ qua thực tế cơ bản là phần lớn trọng tâm kinh tế hiện đã chuyển sang châu Á và một số nước châu Á đã thách thức các lệnh trừng phạt.

Cách tiếp cận của phương Tây cũng không tính đến khả năng phục hồi và sự khéo léo của Nga. Ngành công nghiệp của đất nước này đang trong tình trạng sẵn sàng xung đột kéo dài và quân đội Nga có đủ loại đạn dược cần thiết.

Sau đó, các sự kiện khác đã xen vào để đánh lạc hướng sự chú ý, từ việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nổi lên với tư cách ứng viên sáng giá cho đến cuộc chiến ở Dải Gaza.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Ukraine đã hết hy vọng lật ngược tình thế.

Theo các chuyên gia, thương vong và tổn thất của Nga sau 2 năm xung đột cũng rất lớn. Do vậy, tuy hiện kiểm soát gần 20% lãnh thổ Ukraine, nhưng Nga khó có đủ nguồn lực để tiến hành một cuộc tấn công toàn diện để đánh bại hoàn toàn Ukraine.

Về mặt lý thuyết, vẫn có khả năng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ nhận được sự chấp thuận của quốc hội về gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine và châu Âu sẽ tiếp thêm vũ khí cho Kiev.

"Để tạo điều kiện cho việc châu Âu tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine, các nhà lãnh đạo EU sẽ cần phải thay đổi cách họ nói về xung đột", Mark Leonard, người đứng đầu ECFR, nói.

Vấn đề là không có bằng chứng nào cho thấy bất kỳ quốc gia phương Tây nào sẵn sàng đầu tư nhiều hơn những gì họ đã cam kết, do vậy, năm thứ 3 của cuộc xung đột này có thể trở thành một trong những nỗi thất vọng lớn nhất đối với Ukraine.

Theo Straits Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine