1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Quốc gia EU cảnh báo hậu quả cuộc tấn công của Ukraine ở vùng Kursk

Thanh Thành

(Dân trí) - Cựu Bộ trưởng Kinh tế Slovakia nói rằng, cuộc đột kích của Ukraine ở khu vực Kursk (Nga) đã làm gián đoạn dòng khí đốt đến các nước trong Liên minh châu Âu (EU).

Quốc gia EU cảnh báo hậu quả cuộc tấn công của Ukraine ở vùng Kursk - 1

Nga đã là nhà cung cấp khí đốt chính cho châu Âu trong hàng chục năm qua (Ảnh: Reuters).

"Lượng khí đốt tự nhiên chảy qua đường ống Druzhba đã giảm, vì quân đội Ukraine được cho là đã nắm quyền kiểm soát trạm ở Sudzha thuộc vùng Kursk của Nga", cựu Bộ trưởng Karel Hirman cảnh báo trong một bài đăng trên Facebook hôm 8/8.

Theo ông, nguồn cung cấp khí đốt của Nga qua Ukraine tới Slovakia đang bị đe dọa nghiêm trọng khi lưu lượng khí đốt đã giảm xuống còn 37,25 triệu mét khối, mức thấp nhất hàng ngày kể từ tháng 5/2023. Trước đó, ông Hirman cho biết, đường ống vẫn giữ nguyên mức 42 triệu mét khối.

Trước đó, cựu Bộ trưởng Hirman đã có cuộc họp báo tại Bratislava, cảnh báo dòng khí đốt tự nhiên của Nga qua Ukraine có thể bị "dừng hoàn toàn" do giao tranh.

Công ty khí đốt SPP của Slovakia tuyên bố đã chuẩn bị cho khả năng gián đoạn nguồn cung trong nhiều năm và đã tìm kiếm các nguồn thay thế.

Druzhba là trạm khí đốt cuối cùng còn hoạt động giữa Ukraine và Nga. Vào đầu năm 2022, Ukraine đã đóng cửa trạm Sohranovka ở Donbass. Vào tháng 8/2022, Kiev yêu cầu tất cả các luồng khí đốt phải được chuyển hướng qua Sudzha, nhưng Moscow đã từ chối.

Vào tháng 9/2022, một loạt vụ nổ đã làm hư hại nặng nề cả 2 đường ống dẫn khí Nord Stream được xây dựng để vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga đến Đức và phần còn lại của Liên minh châu Âu (EU).

Cả Nga và phương Tây đều coi đây là một vụ phá hoại có chủ đích và liên tục cáo buộc phía còn lại đứng sau sự cố với 2 đường ống. Cho đến nay, các cuộc điều tra về vụ nổ với Nord Stream vẫn chưa có kết quả cụ thể.

Theo RT