Phương Tây liên tục cấp vũ khí, tiếp viện chiến dịch phản công của Ukraine
(Dân trí) - Đức, Mỹ, Hy Lạp tiếp tục công bố các gói viện trợ vũ khí mới nhằm hỗ trợ Ukraine trong chiến dịch phản công ở miền Đông và miền Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht ngày 15/9 thông báo, nước này sẽ chuyển cho Ukraine hai tổ hợp pháo phản lực MARS II, 200 tên lửa và 50 xe bọc thép chở quân Dingo.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức cũng cho biết, việc huấn luyện lực lượng Ukraine sử dụng các tổ hợp MARS II dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 9.
Theo Bộ trưởng Lambrecht, Hy Lạp sẽ sớm gửi 40 xe chiến đấu bộ binh BMP-1 (IFV) từ thời Liên Xô cho Ukraine sau khi hoàn tất thỏa thuận. Đổi lại, Hy Lạp sẽ nhận lần lượt 40 xe thiết giáp Marder của Đức.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 15/9 cũng công bố gói viện trợ vũ khí mới trị giá 600 triệu USD cho quân đội Ukraine.
Gói vũ khí mới của Mỹ dự kiến sẽ cung cấp đạn dược cho quân đội Ukraine, trong đó có đạn cho hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS). Theo hai nguồn tin giấu tên, gói viện trợ mới của Mỹ cũng bao gồm đạn dược cho các lựu pháo của Ukraine.
Đầu tháng này, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde tuyên bố nước này sẽ cung cấp một gói hỗ trợ quân sự trị giá 50 triệu Euro cho quân đội Ukraine. Theo đó, Thụy Điển sẽ cung cấp cho Ukraine một lượng lớn đạn pháo để tiếp sức cho chiến dịch phản công. Thụy Điển cũng để ngỏ khả năng cung cấp cho Ukraine hệ thống pháo tự hành uy lực Archer cùng tổ hợp phòng không RBS-70.
Trước đó, Cộng hòa Séc đã chuyển đến Ukraine 72 xe tăng chiến đấu chủ lực T-72. Quyết định này được đưa ra sau khi Đức đồng ý hỗ trợ Cộng hòa Séc thay thế số xe tăng T-72 này bằng các xe tăng Leopard hiện đại hơn.
Ukraine gần đây đã kêu gọi các nước, trong đó có Đức, tăng cường cung cấp vũ khí sau chiến dịch phản công thành công ở một số khu vực. Ukraine nhiều lần chỉ trích Đức vì chần chừ trong việc chuyển giao vũ khí nhằm giúp Kiev đối phó chiến dịch quân sự của Nga.
Theo Financial Times, một số đồng minh phương Tây đã ủng hộ cuộc phản công thành công của Ukraine ở khu vực Kharkov, buộc Nga phải rút quân vào tuần trước. Do vậy, các nước này đề xuất gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine.
Các quốc gia phương Tây trước đây từng từ chối cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine, với các lý do như mất nhiều thời gian đào tạo phi công Ukraine, các vấn đề về bảo dưỡng các hệ thống vũ khí tiên tiến trên mặt đất và nguy cơ leo thang xung đột với Nga.
Trong thời gian gần đây, khi quân đội Ukraine đang phải căng mình trên nhiều mặt trận nhằm phản công giành lại vùng lãnh thổ phía Nam và phòng thủ trước đà tiến công của Nga ở vùng Donbass tại miền Đông, các đồng minh phương Tây liên tục viện trợ thêm vũ khí nhằm tiếp sức cho Kiev.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 15/9 cảnh báo nếu Mỹ quyết định cung cấp tên lửa tầm xa hơn cho Kiev, Washington sẽ bị coi là vượt lằn ranh đỏ và trở thành một bên trực tiếp tham gia vào xung đột.