1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phương Tây chần chừ tăng viện vũ khí cho Ukraine sau khi Nga huy động quân

Đức Hoàng

(Dân trí) - Truyền thông Mỹ nói rằng, không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ và châu Âu sẽ tăng viện trợ vũ khí cho Ukraine, sau khi Nga thông báo huy động tối đa 300.000 quân chi viện cho tiền tuyến.

Phương Tây chần chừ tăng viện vũ khí cho Ukraine sau khi Nga huy động quân - 1

Hệ thống rocket phóng loạt HIMARS (Ảnh: Reuters).

Sau lệnh động viên một phần mà Tổng thống Nga Vladimir Putin ban hành, giới chức Kiev nói họ cần thêm các hệ thống rocket phóng loạt và xe tăng để đối phó với động thái leo thang căng thẳng của Moscow.

Tuy nhiên, Bloomberg dẫn nguồn tin từ một quan chức Liên minh châu Âu (EU) giấu tên cho hay, kịch bản lượng vũ khí phương Tây đổ về Ukraine tăng vọt trong thời gian tới ít có khả năng xảy ra.

Theo hãng tin Mỹ, có 2 lý do dẫn tới việc này. Thứ nhất là do Washington lo ngại nếu họ cấp thêm cho Ukraine vũ khí hiện đại hơn, điều đó có thể kích hoạt một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga. Moscow trong những ngày qua đã cảnh báo việc kích hoạt vũ khí hạt nhân để tự vệ và họ tuyên bố rằng đó không phải là lời hù dọa.

Ngoài ra, một thực tế mà châu Âu đang phải đối mặt chính là kho vũ khí chủ chốt của họ đang cạn kiệt sau nhiều tháng dồn lực viện trợ cho Ukraine. Các quốc gia này giờ đây phải ưu tiên bảo vệ an ninh cho chính họ trước khi hỗ trợ cho Ukraine.

Bốn quan chức nói với Bloomberg rằng họ không chứng kiến bất cứ dấu hiệu nào cho thấy các chính phủ châu Âu đã sẵn sàng cung cấp thêm các lô vũ khí mới tới Ukraine.

Ví dụ, Ukraine trong thời gian qua nhiều lần kêu gọi phương Tây viện trợ xe tăng Leopard do Đức sản xuất. Đây được xem là vũ khí chủ lực của nhiều nền quân đội châu Âu. Một số nước NATO như Tây Ban Nha, Hà Lan, Na Uy và Hy Lạp đều có Leopard trong kho, nhưng nếu muốn chuyển cho Ukraine, họ phải cần sự đồng ý của Đức.

Trong khi Đức từ chối việc cấp xe tăng Leopard cho Ukraine, các quốc gia trên thậm chí còn chưa đưa ra bất cứ đề xuất nào với chính quyền Berlin.

Tại Italy, vấn đề thiếu hụt ngân sách đã đẩy việc cung cấp vũ khí cho Ukraine xuống dưới danh sách các ưu tiên của chính phủ. Dòng vũ khí từ Italy tới Kiev đã giảm từ tháng 7, một quan chức cho hay.

Mặc dù vậy, Bloomberg vẫn mô tả sự hỗ trợ vũ khí của phương Tây cho Ukraine là ấn tượng. Chỉ riêng Mỹ đã chi 15,1 tỷ USD viện trợ vũ khí cho Ukraine kể từ sau khi chiến sự bắt đầu.

Nga nhiều lần cảnh báo về động thái này, cho rằng nó chỉ khiến xung đột kéo dài và làm gia tăng nguy cơ xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO.

Theo Bloomberg
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine