"Ác mộng hậu cần" với Ukraine sau những lô vũ khí viện trợ của phương Tây
(Dân trí) - Sự đa dạng của nguồn vũ khí do phương Tây viện trợ một mặt giúp Ukraine cải thiện năng lực tác chiến, mặt khác cũng kéo theo những thách thức nghiêm trọng.
Báo Wall Street Journal (WSJ) ngày 20/7 dẫn nhận định của các chuyên gia Anh và Mỹ cho rằng, nguồn cung vũ khí từ phương Tây đã mang lại hiệu quả phần nào cho Ukraine trong cuộc chiến đối phó Nga. Tuy nhiên, theo họ, việc phương Tây cấp nhiều loại vũ khí khác nhau đang tạo ra "ác mộng hậu cần" cho Ukraine vì "mỗi loại vũ khí đòi hỏi một cách thức huấn luyện vận hành riêng, cách bảo trì và sử dụng hoàn toàn khác nhau".
Ở giai đoạn đầu xung đột, Mỹ và đồng minh chủ yếu chuyển cho Ukraine tên lửa phòng không Stinger và tên lửa chống tăng Javelin. Kho dự trữ các vũ khí hạng nhẹ này của các nước phương Tây cũng nhanh chóng cạn kiệt. Đến tháng 4, Nhà Trắng thông báo chuyển giao những lựu pháo M777 đầu tiên cho Ukraine, tiếp đến là các pháo phản lực cơ động cao HIMARS.
Đến nay, Ukraine đã tiếp nhận các tổ hợp M777 từ Mỹ, Australia, Canada, hay pháo tự hành M109 của Mỹ, lựu pháo PzH2000 của Đức và nhiều loại khí tài khác. Về lý thuyết, các tổ hợp này đều sử dụng đạn cỡ nòng 155mm, song thực tế, mọi thứ không đơn giản vậy.
"Không có hệ thống pháo nào trong số đó có nhiều điểm chung như vậy. Nhiều người lầm tưởng rằng chúng ta có thể hoán đổi các loại đạn mỗi hệ thống pháo với nhau, nhưng sự thật không phải như thế", Jack Watling từ Viện nghiên cứu Royal United Services Institute (RUSI) ở London (Anh), cho biết.
Trong một báo cáo của RUSI công bố hồi đầu tháng này, ông Watling và các đồng nghiệp lập luận, mỗi khẩu đội pháo có tầm bắn, cơ cấu nạp đạn, phụ tùng thay thế và yêu cầu bảo dưỡng và hàng loạt khía cạnh khác nhau nữa.
Scott Boston, một chuyên gia phân tích quốc phòng cấp cao tại tổ chức RAND có trụ sở ở Mỹ, cũng chỉ ra những thách thức khác mà Ukraine phải đối mặt khi tìm cách vận hành các hệ thống vũ khí hiện đại của phương Tây.
Ông chỉ ra, rất nhiều loại vũ khí ở Ukraine đều có tuổi đời khá cao, thường được sửa chữa bằng những công cụ thô sơ, nhưng với những hệ thống vũ khí hiện đại của phương Tây, mọi chuyện hoàn toàn khác. "Đây là một vấn đề rất phức tạp", ông Boston nói, và nhấn mạnh thêm thách thức của việc Ukraine khó tìm được linh kiện thay thế cho các khí tài của phương Tây.
Do đó, theo ông Watling, phương Tây nên cố gắng hạn chế số chủng loại khí tài gửi cho Ukraine.
Phương Tây liên tục viện trợ trang thiết bị, khí tài cho Ukraine kể từ khi xung đột giữa Ukraine và Nga nổ ra hồi cuối tháng 2. Ngoài ra, các nước này cũng hỗ trợ huấn luyện cho quân nhân Ukraine. Đầu tháng này, giới chức Anh cho biết, hơn 1.500 binh sĩ Ukraine đang có mặt tại nước này để tham gia các khóa huấn luyện quân sự do quân đội Anh tổ chức. Ukraine cũng kêu gọi phương Tây viện trợ thêm nhiều vũ khí hạng nặng tầm xa hơn để chuẩn bị cho kế hoạch phản công.