Phương Tây cảnh báo thời khắc nguy hiểm khi Nga áp sát Ukraine từ 3 phía
(Dân trí) - Các ảnh chụp vệ tinh cho thấy, Nga đang tiếp tục tăng cường lực lượng bao vây Ukraine từ 3 phía, một dấu hiệu mà phương Tây cho rằng thời khắc nguy hiểm trong cuộc khủng hoảng Ukraine cận kề.
Các dữ liệu tình báo và ảnh chụp vệ tinh của phương Tây cho thấy, những ngày gần đây, Nga tiếp tục tăng cường lực lượng ở các khu vực gần biên giới Ukraine. Giới chức phương Tây cho rằng, đây là những dấu hiệu cho thấy thời khắc nguy hiểm nhất của cuộc khủng hoảng Ukraine đang ở rất gần.
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hôm 10/2 cảnh báo: "Đó là thời khắc nguy hiểm đối với an ninh châu Âu. Các lực lượng Nga đang gia tăng. Thời gian cảnh báo về một cuộc tấn công tiềm tàng đang trôi qua. NATO không phải là mối đe dọa của Nga, tuy nhiên chúng tôi phải chuẩn bị cho tình huống xấu trong khi vẫn cam kết mạnh mẽ đối với việc tìm kiếm một giải pháp chính trị".
Chung quan điểm này, Thủ tướng Anh Boris Johnson bình luận: "Vài ngày tới có lẽ là thời điểm nguy hiểm nhất đối với cuộc khủng hoảng an ninh mà châu Âu phải đối mặt trong nhiều thập kỷ qua. Tôi cho rằng việc phối hợp các biện pháp trừng phạt cùng với giải pháp quân sự và ngoại giao là hợp lý".
Trong khi đó, những nỗ lực ngoại giao đang cho thấy những bế tắc. Tại cuộc họp báo chung diễn ra hôm qua, Ngoại trưởng Anh Liz Truss đã cảnh báo người đồng cấp Nga Sergei Lavrov rằng một cuộc tấn công nhằm vào Ukraine sẽ là "thảm họa". Ngoại trưởng Truss nhấn mạnh, Nga cần rút hơn 130.000 binh sĩ triển khai gần Ukraine để tránh kịch bản thảm họa này.
Đáp lại, Ngoại trưởng Lavrov nói, những lời đe dọa của phương Tây nhằm vào Moscow chỉ làm gia tăng căng thẳng. Ông Lavrov cũng cho biết, ông "thất vọng" với cuộc đàm phán với bà Truss, đồng thời nhắc lại những phàn nàn của Nga rằng những lo ngại về an ninh của nước này đang bị phớt lờ. Ông cho biết, Nga ủng hộ các giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng với Ukraine và phương Tây, nhưng đồng thời Nga cũng giữ vững các đề xuất an ninh.
Trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine không có dấu hiệu hạ nhiệt, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 10/2 đã hối thúc công dân Mỹ lập tức rời Ukraine với lý do tình hình "có thể leo thang rất nhanh chóng". Mặt khác, ông cũng tuyên bố, Mỹ sẽ không điều quân đội đến Ukraine để sơ tán công dân nếu xung đột Nga - Ukraine nổ ra vì điều này có thể dẫn đến một "cuộc chiến tranh thế giới".
"Sẽ không có việc này. Bởi một cuộc chiến tranh thế giới sẽ xảy ra khi người Nga và người Mỹ bắt đầu bắn vào nhau", chủ nhân Nhà Trắng nói.
Các phát biểu trên diễn ra trong bối cảnh giám đốc công ty ảnh vệ tinh Maxar, Stephen Wood, cho biết các ảnh vệ tinh chụp ngày 10/2 cho thấy, Nga đã triển khai một lượng lớn binh sĩ và khí tài ở căn cứ không quân từng bị bỏ hoang Oktyabrskoye, ở phía bắc Simferopol, thủ phủ của Crimea. Theo đánh giá của Maxar, Nga có khoảng hơn 550 lều binh sĩ và hàng trăm xe quân sự ở đây. Ở các địa điểm khác của Crimea, Nga cũng triển khai một lượng lớn binh sĩ và khí tài. Các đợt triển khai mới này diễn ra cùng ngày khi một số tàu chiến của Nga, trong đó có các tàu tấn công đổ bộ cập cảng Sevastopol ở Crimea.
Cùng lúc đó, tại Belarus, ảnh chụp vệ tinh của Maxar cho thấy các đợt triển khai binh sĩ, khí tài và trực thăng mới của Nga ở căn cứ không quân Zyabrovka, gần thành phố Gomel, cách biên giới Ukraine khoảng 25 km. Đây là lần đầu tiên trực thăng Nga xuất hiện ở khu vực này và dường như ở đây cũng đã mọc lên một bệnh viện dã chiến. Ngoài ra, binh sĩ và nhiều nhóm tác chiến khác vẫn đang được triển khai gần thành phố Rechitsa của Belarus, cách biên giới Ukraine hơn 40 km. Các ảnh vệ tinh trước đó cho thấy hoạt động dựng lều trại gần Rechitsa.
Các video chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội cho thấy hoạt động di chuyển đáng kể của các đơn vị quân đội Nga trong vài ngày qua ở phía đông Ukraine, quanh các thành phố Kursk, Rostov-on-Don và Bryansk.
Ở ngoài khơi phía đông nam Ukraine, tại Biển Đen và Biển Azov, Nga đang chuẩn bị cho các cuộc tập trận hải quân quy mô lớn. Ukraine cáo buộc các cuộc tập trận này của Nga "nhằm mục đích địa chính trị", do vậy kêu gọi các nước khác ngăn tàu chiến Nga cập cảng.
Trong khi đó, Moscow khẳng định các cuộc tập trận này hoàn toàn hợp pháp theo luật pháp quốc tế và cam kết binh sĩ của Nga sẽ rời Belarus ngay sau đợt tập trận kéo dài 10 ngày.