1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Pháo hỏa thần nhiệt áp của Nga tập kích thành trì Ukraine ở Donbass

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quân đội Nga đưa pháo nhiệt áp hạng nặng TOS-1A Solntsepyok tới Ugledar ở mặt trận miền Đông để tập kích các mục tiêu của Ukraine.

Avia Pro ngày 26/2 đăng tải một đoạn video quay từ máy bay không người lái ghi lại cảnh tổ hợp TOS-1A của Nga nhằm vào các phòng tuyến và cứ điểm của Ukraine ở Ugledar (Kiev gọi là Vuhledar).

Trong thời gian qua, các hệ thống nhiệt áp hạng nặng của Nga đã thể hiện uy lực trên chiến trường khi phá hủy nhiều mục tiêu kiên cố của đối thủ.

Pháo hỏa thần nhiệt áp của Nga tập kích thành trì Ukraine ở Donbass

Đoạn video cho thấy hỏa lực Nga bắn vào các vị trí trên tiến tuyến gây ra những vụ nổ lớn. Hầu hết các cuộc tấn công đều tập trung vào một số mục tiêu nhất định. Điều này cho thấy Nga dường như đang tập trung phá hủy các phòng tuyến của Ukraine tại khu vực này.

Ngoài ra, Nga dường như sử dụng đạn nhiệt áp trong nhiệm vụ tập kích, loại đạn có thể gây ra sức công phá lớn với mục tiêu kiên cố của đối phương.  

Hiện Ugledar cùng Bakhmut đang là những mặt trận mà Nga - Ukraine đối đầu dữ dội nhất khiến 2 bên đều chịu tổn thất nặng nề.

Hệ thống TOS-1A còn được gọi với tên Solntsepyok. Đây là hệ thống phóng đa nòng gồm 24 tên lửa nhiệt áp, có khả năng nhằm vào binh sĩ, khí tài và bất kỳ công sự nào của đối phương trong khu vực rộng tương đương 6 sân bóng đá, lên tới 40.000m2.

Được thiết kế với mục đích tấn công bộ binh đối phương trong công sự và trong các xe bọc thép hạng nhẹ, TOS-1A có khả năng phóng các tên lửa mang đầu đạn nhiệt áp hoặc đầu đạn cháy.

Dàn pháo phản lực TOS-1A Solntsepyok có tầm bắn trong khoảng 3-4km và sử dụng các tên lửa có sức công phá lớn. Ngoài ra, Solntsepyok còn sử dụng đầu đạn nhiệt áp, cho phép phun ra các dung dịch dễ cháy khi bắn trúng mục tiêu và phát hỏa.

Trong môi trường nhất định, nhiệt độ từ đầu đạn nhiệt áp của Solntsepyok có thể đạt tới mức 1.000 độ C mang lại sức công phá đáng kể. Vì vậy, hệ thống này được gọi là "lửa mặt trời".

Theo Avia Pro
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine