1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Phản ứng của thế giới khi Nga tấn công cơ sở quân sự Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Cộng đồng quốc tế đã kêu gọi các bên kiềm chế sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự, tấn công vào các căn cứ của Ukraine ngày 24/2.

Phản ứng của thế giới khi Nga tấn công cơ sở quân sự Ukraine - 1

Một vụ nổ ở thủ đô Kiev, Ukraine sáng 24/2 (Ảnh: Ukraine News).

Hãng tin RT dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga ngày 24/2 cho biết, quân đội Nga đang tấn công vào các căn cứ quân sự của Ukraine. Tuyên bố cho biết, quân đội Nga đã dùng vũ khí chính xác để tấn công vào các hạ tầng quân sự, các cơ sở phòng không, căn cứ không quân của Ukraine.

Tuy nhiên, quân đội Nga tuyên bố không tấn công vào các thành phố của Ukraine, trái với cáo buộc của các bên khác. Thông cáo khẳng định, chiến dịch quân sự của Nga không đe dọa đến dân thường ở Ukraine.

Các đợt tấn công diễn ra ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát lệnh kích hoạt chiến dịch đặc biệt nhằm bảo vệ người dân Donbass ở miền Đông Ukraine.

Trong một video đăng trên mạng xã hội, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận, các cơ sở quân sự của nước này đã bị tấn công sáng nay 24/2. Tổng thống Zelensky cũng ban bố lệnh thiết quân luật, kêu gọi người dân bình tĩnh, không nên ra khỏi nhà. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng tuyên bố, Ukraine sẽ đánh bại bất cứ đối phương nào.

Trong một tuyên bố phát đi sáng nay, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cũng nói rằng, một cuộc chiến toàn diện giữa Nga và Ukraine đã nổ ra. "Các thành phố yên bình của Ukraine đang bị tấn công. Đây là một cuộc chiến toàn diện. Ukraine sẽ tự vệ và chiến thắng", Ngoại trưởng Kuleba nói.

Phản ứng với những diễn biến tại Ukraine, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hối thúc Nga rút quân khỏi Ukraine để tránh một cuộc chiến nghiêm trọng nhất kể từ đầu thế kỷ 21. "Cuộc chiến này phải dừng lại ngay lập tức", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi.

Đại sứ Ấn Độ tại Liên Hợp Quốc T. S. Tirumurti cảnh báo, tình hình ở Ukraine hiện nay có nguy cơ rơi vào vòng xoáy một cuộc khủng hoảng lớn, do vậy, ông kêu gọi các bên kiềm chế, hạ nhiệt căng thẳng.

Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Zhang Jun cho biết: "Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy các cuộc hòa đàm theo cách của mình và hoan nghênh, khuyến khích mọi nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine".

Về phía NATO, Tổng thư ký Jens Stoltenberg đã chỉ trích hành động của Nga là "vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của khu vực châu Âu - Đại Tây Dương".

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cảnh báo: "Mỹ và các đồng minh, đối tác sẽ phối hợp để ứng phó một cách quyết đoán với các hành động của Nga". Chủ nhân Nhà Trắng đang theo dõi tình hình Ukraine từ Phòng tình huống ở Nhà Trắng và dự kiến sẽ họp với các lãnh đạo G7 vào hôm nay trước khi công bố thêm lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm