Ông Zelensky: Phương Tây không dám giúp Ukraine bắn hạ tên lửa Nga
(Dân trí) - Tổng thống Volodymyr Zelensky bày tỏ sự thất vọng với phương Tây vì cho rằng họ cảm thấy e ngại liên quan tới việc giúp Kiev bắn rơi tên lửa Nga trên không phận Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 13/9 cho rằng phương Tây quá "lo sợ" đến mức không dám thảo luận về việc bắn hạ tên lửa và máy bay không người lái của Nga nhắm vào Ukraine, mặc dù phương Tây từng giúp Israel làm như vậy.
Đối mặt với các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái ồ ạt của Nga, Kiev muốn các đồng minh phương Tây giúp bắn hạ các loại vũ khí này từ lãnh thổ của họ.
"Nếu các đồng minh cùng nhau bắn hạ tên lửa và máy bay không người lái tại các địa điểm ở Trung Đông, tại sao họ vẫn chưa có quyết định tương tự nào về việc cùng nhau bắn hạ tên lửa của Nga và UAV Shahed của Iran trên bầu trời Ukraine?" ông Zelensky phát biểu tại một hội nghị ở Kiev, đồng thời nói thêm: "Họ thậm chí còn sợ nói rằng chúng tôi đang thảo luận về điều đó"
"Và điều này không được thực hiện ngay cả khi tên lửa và máy bay không người lái Nga đang bay theo hướng tới lãnh thổ các nước láng giềng của Ukraine", ông cho biết và gọi đó là "sự xấu hổ đối với thế giới dân chủ".
Phương Tây lo ngại về một cuộc xung đột rộng lớn hơn và bắn rơi tên lửa Nga trên lãnh thổ Ukraine có thể bị Moscow xem là hành vi gây leo thang căng thẳng.
Ukraine cũng đang gia tăng áp lực lên các nước phương Tây để cho phép họ sử dụng vũ khí để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Ngoài ra, ông Zelensky lập luận rằng việc thực hiện tất cả các điểm trong kế hoạch chiến thắng của ông hoàn toàn phụ thuộc vào Tổng thống Mỹ Joe Biden.
"Có ít điểm (trong kế hoạch). Và mỗi điểm sẽ phụ thuộc vào quyết định của ông Biden", nhà lãnh đạo Zelensky nói với giới truyền thông tại hội nghị Chiến lược châu Âu Yalta ở Kiev.
Tổng thống Zelensky cho biết sẽ gặp ông Biden vào cuối tháng này để trình bày kế hoạch.
Theo ông, có hai cách để chấm dứt xung đột: hoặc lực lượng Nga bị đẩy khỏi Ukraine bằng vũ lực, hoặc là một tiến trình ngoại giao để đảm bảo việc Kiev giành lại toàn bộ lãnh thổ của mình.
Trước đó, Tổng thống Zelensky đã vạch ra "kế hoạch chiến thắng" trong cuộc xung đột với Nga bao gồm các khía cạnh cả về quân sự, an ninh, ngoại giao và kinh tế.
Bước đầu tiên bao gồm chiến dịch đột kích xuyên biên giới vào Nga. Bước thứ hai là tăng cường vai trò an ninh toàn cầu của Ukraine, nói cách khác là nâng cao vị thế chiến lược của Ukraine trong hệ thống an ninh toàn cầu. Ba là nỗ lực ngoại giao nhằm buộc Nga chấm dứt xung đột. Bốn là khía cạnh kinh tế.
Tổng thống Zelensky đã đưa ra "công thức hòa bình" gồm 10 điểm vào cuối năm 2022 nhằm giải quyết cuộc xung đột với Nga. Công thức này gồm một số điểm như Nga phải rút hết quân, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine và bồi thường chiến tranh.
Tuy nhiên, Nga coi các đề nghị này "phi thực tế". Moscow tuyên bố chỉ đàm phán dựa trên tình hình thực địa mới, bao gồm việc công nhận các vùng lãnh thổ tại Ukraine mà Nga đã tuyên bố sáp nhập.