Ông Trump đã thay đổi như thế nào sau khi đắc cử?
(Dân trí) - Sau khi giành chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử hồi đầu tháng này, Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump đã có một số thay đổi bất ngờ so với những cam kết ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử.
Điều tra bà Hillary Clinton
Trong cuộc tranh luận thứ hai vào tối 9/10, ông Trump đe dọa nếu thắng cử sẽ ra lệnh truy tố bà Hillary Clinton liên quan đến việc bà sử dụng hòm thư cá nhân cho mục đích công vụ khi còn giữ chức Ngoại trưởng Mỹ, đồng thời cảnh báo bà Clinton sẽ phải ngồi tù dưới sự giám sát của ông.
“Nếu tôi thắng cử, tôi sẽ yêu cầu các công tố viên mở một cuộc điều tra về bê bối thư điện tử của bà. Chưa bao giờ có nhiều sự dối trá như vậy, chưa bao giờ có điều gì tương tự như vậy xảy ra. Chúng ta sẽ có một cuộc điều tra đặc biệt về vấn đề này”, ông Trump cho biết.
Nhưng hôm 22/11 vừa qua, ông Trump lại nói rằng: “Tôi không muốn làm tổn thương bà Clinton. Bà ấy đã phải trải qua nhiều việc khó khăn. Tôi không muốn nhìn lại phía sau, tôi muốn nhìn về phía trước”. Chính quyền mới của ông Trump sẽ không theo đuổi thêm các cuộc điều tra về cựu Ngoại trưởng Mỹ Clinton liên quan đến vụ bê bối thư điện tử của bà.
Vấn đề biến đổi khí hậu
Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP)
Trước khi tham gia tranh cử tổng thống Mỹ, tỷ phú New York Donald Trump đã từng nói biến đổi khí hậu là một “trò chơi khăm” của Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn tờ Washington Post hồi tháng 3 năm nay, ông Trump nói: “Tôi nghĩ đúng là có sự thay đổi về thời tiết. Nhưng tôi không tin rằng đó là sự biến đổi do con người gây ra”. Hai tháng sau đó, phát biểu trong một cuộc vận động tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên sau khi đắc cử, ông Trump đã nói với tờ The Times rằng ông có “cái nhìn cởi mở về vấn đề này” khi đề cập đến vấn đề biến đổi khí hậu, đồng thời cam kết chính phủ của ông sẽ nghiên cứu vấn đề này một cách kĩ lưỡng.
Khi được hỏi về mối liên hệ giữa các hoạt động của con người và sự thay đổi của khí hậu, ông Trump cho biết: “Tôi nghĩ rằng có một số sự liên hệ gì đó. Điều này phụ thuộc vào mức độ của nó, đồng thời phụ thuộc vào việc nó sẽ khiến các công ty của chúng ta tiêu tốn bao nhiêu tiền”.
Chính sách ObamaCare
Ông Trump từng tuyên bố sẽ xóa bỏ chương trình chăm sóc y tế do Tổng thống Obama thông qua hay còn gọi là Obamacare. (Ảnh minh họa: Getty)
Một trong những điểm chính trong cam kết tranh cử của ông Donald Trump là việc bãi bỏ và thay thế trong Đạo luật Chăm sóc sức khỏe của Tổng thống đương nhiệm Barack Obama, thường gọi là Obamacare. Ông Trump đã từng gọi đạo luật này là một “thảm họa” của chính quyền Obama.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal ngày 11/11, ông Trump tuyên bố có thể giữ lại hai điều khoản chính trong Obamacare, bao gồm lệnh cấm các hãng bảo hiểm từ chối chi trả vì tiền sử bệnh tật của khách hàng và luật cho phép mọi người được hưởng chung chương trình bảo hiểm y tế với cha mẹ cho tới khi 26 tuổi. Ông cũng cho biết ông rất tâm đắc với những điều khoản này.
Quan hệ với NATO
(Ảnh minh họa: EPA)
Trong chương trình Today của đài BBC ngày 24/11, Tổng thư kí Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã thể hiện sự cam kết mạnh mẽ đối với NATO trong cuộc nói chuyện riêng giữa hai người.
Trước đó, ông Trump chỉ trích rằng Mỹ đã đóng góp quá nhiều tài chính và lực lượng cho liên minh quân sự này nhưng không nhận lại được gì khi Mỹ phải đối mặt với khủng bố. Ông cũng từng đề cập đến khả năng Mỹ sẽ “giãn dần” quan hệ với NATO vì cho rằng sự tồn tại của liên minh quân sự này là không cần thiết.
Việc tái áp dụng hình thức tra tấn
Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Fox News)
Đã hơn một lần ông Trump cho rằng nước Mỹ cần có cách tiếp cận mạnh mẽ hơn đối với vấn đề chống khủng bố, kể cả việc tái áp dụng các biện pháp tra tấn trấn nước (waterboarding). Đây là hình thức tra tấn mà nạn nhân bị trói chặt và liên tục bị dội nước vào mặt để tạo cảm giác chết đuối.
Thậm chí trong những cuộc vận động tranh cử cuối cùng trước ngày bầu cử tổng thống, ông Trump vẫn nhắc lại rằng: “Chúng ta phải thật sự độc ác” khi nói tới thái độ đối với những kẻ khủng bố.
Thế nhưng ông Trump đã đổi ý sau khi có cuộc nói chuyện với tướng về hưu James Mattis. Ông cho rằng: “Việc áp dụng lại hình thức tra tấn waterboarding sẽ không tạo ra sự thay đổi gì. Có nhiều cách làm tốt hơn như thế”.
Thái độ với New York Times
Trụ sở New York Times. (Ảnh: NYTimes)
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đã công kích mạnh mẽ truyền thông, đặc biệt là New York Times vì cho rằng họ thiên vị với ông. Trong cuộc họp báo đầu tiên sau đắc cử, ông tiếp tục công kích mạnh mẽ chính những vị khách mời truyền thông này và hủy họp báo với New York Times. Tuy nhiên, sau đó, ông Trump quyết định ghé thăm trụ sở của New York Times ngày 22/11 để trao đổi với đại diện báo và ca ngợi: "New York Times là báu vật quý giá của nước Mỹ và cả thế giới. Tôi hy vọng chúng ta có thể hợp tác trong thời gian tới".
Nhật Minh
Tổng hợp