1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Ông Putin: Nga sẵn sàng chấm dứt xung đột bằng ngoại giao

Minh Phương

(Dân trí) - Xung đột Ukraine có thể giải quyết bằng chính trị, ngoại giao, song còn phụ thuộc vào sự sẵn sàng đàm phán của các bên trên cơ sở xét đến tình hình địa chính trị, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói.

Ông Putin: Nga sẵn sàng chấm dứt xung đột bằng ngoại giao - 1

Tổng thống Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).

"Nga sẵn sàng giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine bằng biện pháp ngoại giao, chính trị. Không phải Nga  hủy bỏ các cuộc đàm phán hồi tháng 4/2022. Tương lai của tiến trình hòa bình chỉ phụ thuộc vào ý chí tham gia vào một cuộc đàm phán có tính đến thực tế địa chính trị hiện nay", chủ nhân Điện Kremlin cho biết trong một bài viết đăng tải trên báo People's Daily của Trung Quốc ngày 19/3.

Mặt khác, ông Putin nhấn mạnh: "Thật không may, bản chất tối hậu thư của các yêu cầu đặt ra với Nga cho thấy tác giả của chúng đang xa rời thực tế này và thiếu quan tâm đến việc tìm giải pháp cho tình hình hiện nay".

Trong bài viết, ông Putin đánh giá cao sự sẵn sàng của Trung Quốc nhằm đóng vai trò trung gian hòa giải, chấm dứt xung đột Ukraine.

"Chúng tôi đánh giá cao lập trường cân bằng của Trung Quốc về tình hình ở Ukraine cũng như những hiểu biết của họ về bối cảnh lịch sử, nguyên nhân gốc rễ (của xung đột). Chúng tôi hoan nghênh Trung Quốc sẵn sàng đóng góp có ý nghĩa vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng", ông Putin chia sẻ.

Bài viết được đăng tải ngay trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nga. Theo kế hoạch, ông Tập Cận Bình sẽ thăm Nga trong 3 ngày 20-22/3, hội đàm với Tổng thống Putin và giới chức Nga về hàng loạt vấn đề song phương cũng như quốc tế.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả chuyến đi của ông Tập Cận Bình là "chuyến thăm vì hòa bình" nhằm "thực hiện chủ nghĩa đa phương thực sự, cải thiện quản trị toàn cầu và đóng góp cho sự phát triển và tiến bộ của thế giới".

"Trung Quốc sẽ duy trì quan điểm khách quan và công bằng về cuộc khủng hoảng Ukraine và đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết thêm.

Tháng trước, Bắc Kinh đã đưa ra kế hoạch hòa bình gồm 12 điểm nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine. Đề xuất nhận được sự ủng hộ của Moscow, trong khi phương Tây tỏ ra thận trọng.

Trả lời phỏng vấn truyền thông Italy cuối tuần qua, Cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak, cho rằng kế hoạch hòa bình của Trung Quốc "thiếu logic và chứa đựng những mâu thuẫn".

"Kế hoạch không chi tiết, thiếu logic cân bằng. Một điểm nhấn mạnh đến toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ không thể xâm phạm, điểm khác nói về sự cần thiết phải ngừng bắn ngay lập tức, nghĩa là công nhận các vùng lãnh thổ bị Nga kiểm soát", ông Mykhailo Podolyak bình luận.

Về phía Mỹ, Nhà Trắng nhiều lần khẳng định không ủng hộ ngừng bắn vào lúc này. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby hôm 16/3 cho biết, Washington phản đối thiết lập lệnh ngừng bắn tại Ukraine, đồng thời bác bỏ tính hiệu quả của kế hoạch hòa bình 12 điểm do Trung Quốc đề xuất mới đây.

"Chúng tôi lo ngại bất kỳ đề xuất nào từ Trung Quốc sẽ là một chiều và chỉ phản ánh quan điểm của Nga", ông Kirby nói. Ông lập luận, nếu ngừng bắn ngay bây giờ, về cơ bản sẽ chỉ có lợi cho chiến dịch quân sự của Nga, bởi Moscow có thể tận dụng ngừng bắn để tiếp tục tập hợp lực lượng chuẩn bị cho đợt tấn công mới.

Washington cho rằng một lệnh ngừng bắn sẽ không thể hướng tới nền hòa bình lâu dài, thay vào đó, giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine phải là nỗ lực từ cả hai phía và phản ánh quan điểm của người dân Ukraine.

Theo TASS, RT, Pravda
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm