1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Azerbaijan chiếm ưu thế trong xung đột ở Karabakh nhờ UVA

Armenia và Azerbaijan đã ký một thỏa thuận đình chiến có hiệu lực từ ngày 10/11 với nhiều điều khoản có lợi cho Azerbaijan. Đây là kết quả từ ưu thế vượt trội của Azerbaijan trên chiến trường nhờ vào UAV (phi cơ không người lái).

Cuộc chiến giữa Azerbaijan với phe Armenia (chính thức là với “Cộng hòa Arsakh” tự xưng không được quốc tế công nhận) đã tạm kết thúc sau khi hai bên ký một thỏa thuận ngừng bắn vào ngày 9/11/2020 dưới sự trung gian của Nga (thỏa thuận có hiệu lực từ ngày 10/11).

Azerbaijan chiếm ưu thế trong xung đột ở Karabakh nhờ UVA - 1

UAV Bayraktar TB2 – “thần chết” trên không. Ảnh: News Archy UK.

Bước ngoặt mới trong tác chiến hiện đại

Trước thực tiễn này, Tổng biên tập tờ The Print (của Ấn Độ) giải thích rằng “không như hầu hết các cuộc chiến tranh trong các thập kỷ gần đây, cuộc chiến này đã kết thúc một cách xác định theo nghĩa có bên thắng lợi, đó là Azerbaijan, và bên thua, đó là Armenia”.

Trở lại thập niên 1990, chính bên Armenia giành thắng lợi trước Azerbaijan. Nhưng sau nhiều thập kỷ, gió đã đổi chiều, theo hướng có nhiều tác động mạnh lên hình thức tác chiến hiện đại.

Tổng biên tập Shekhar Gupta của tờ The Print nhận xét: “Đây thực sự là cuộc chiến đầu tiên trong lịch sử chiến tranh hiện đại mà thắng lợi được quyết định gần như hoàn toàn bởi sức mạnh của tác chiến bằng phi cơ không người lái (UAV)”.

Cuộc chiến mới giữa Azerbaijan và người Armenia ở Nagorno-Karabakh bắt đầu vào ngày 27/9/2020 ở vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh.

Trong khi phía Armenia (cụ thể là “Cộng hòa Artsakh” tự xưng không được công nhận) chiến đấu bằng xe tăng, pháo mặt đất, và hệ thống phòng không thì bên Azerbaijan dựa gần như chủ yếu vào phi cơ không người lái (UAV), đặc biệt là loại Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất và phi cơ cảm tử do Israel sản xuất. Hai loại UAV này có khả năng mang bom nặng tương ứng là 55kg và 15kg.

Gupta cho biết: “Đây là các phi cơ không người lái đắt tiền, nhưng rất hữu ích khi dùng để nhắm bắn đối phương, đặc biệt là các tổ hợp tên lửa, hệ thống radar phòng không vì các thiết bị này đều có bức xạ”.

Azerbaijan đã giành thắng lợi như thế nào?

Gupta đề cập đến 2 bài báo trên Washington Post và blog Oryx phân tích khả năng cuộc chiến Nagorno-Karabakh vừa qua sẽ thay đổi viễn cảnh chiến tranh hiện đại.

Bài báo của Oryx đã thống kê các bức ảnh và đoạn video để xác định xem mỗi bên đã bị mất bao nhiêu thiết bị. Theo đó, lực lượng tộc người Armenia ở Nagorno-Karabakh đã bị mất 185 xe tăng, 45 xe chiến đấu thiết giáp, 44 xe chiến đấu bộ binh, 147 khẩu pháo kéo, 19 khẩu pháo tự hành, và 72 bệ phóng rocket đa nòng và 12 radar. Tổn thất của phía Azerbaijan được xác định là chỉ bằng 1/6 như thế.

Gupta nói: “Cứ như thế, các xe thiết giáp và xe tăng này có mặt ở đó để làm mục tiêu cho đối phương tập ngắm bắn. Nếu bạn có ưu thế về UAV, bạn không cần dùng xe tăng để đánh lại xe tăng của đối phương”. Gupta cho rằng, đây là minh chứng sinh động cho cuộc chiến không cân sức.

Ngoài ra, theo Gupta, phía Azerbaijan còn áp dụng chiến thuật hiểm hóc, trong đó họ đánh lừa quân Armenia bằng một máy bay cổ (từ thời năm 1947) được chỉnh sửa để giả làm UAV.

“Azerbaijan chuyển đổi một máy bay hai tầng cánh với một động cơ một cánh quạt thành UAV sử dụng một lần. Máy bay này được điều khiển bay vào khu vực phòng không của quân Armenia”.

Để ứng phó với máy bay trên, phía Armenia kích hoạt các radar và các hệ thống tên lửa phòng không, khiến vị trí của họ bị lộ. Khi ấy một chiếc UAV “xịn” đang lơ lửng quanh vùng này sẽ nhập cuộc và tiêu diệt các mục tiêu vừa lộ diện.

Gupta nói: “Đó là cách mà gần như toàn bộ lực lượng phòng không và phòng thủ tên lửa của Nagorno-Karabakh bị hạ gục”.

Lợi thế của UAV

Giải thích về lợi thế do một UAV mang lại, Gupta chỉ ra rằng UAV có thể làm suy yếu một lực lượng đối phương thông qua tác động tiêu cực lên tâm lý của binh sĩ đối phương vì “họ không biết cái gì sẽ đến và tấn công trúng họ”.

“Thật kinh sợ, vì bạn không biết gì cả - bạn ngồi trên mặt đất, bạn ngồi trong xe tăng, bạn không biết có kẻ nào lơ lửng trên đầu bạn, dò ra được tín hiệu điện tử của bạn, tín hiệu nhiệt của bạn rồi trút tên lửa lên đầu bạn”.

Gupta cũng trích dẫn lời của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nói về bất lợi của nước này trong lĩnh vực UAV. Ông Pashinyan cho rằng thất bại là khó tránh nếu “phân tích sâu tình thế quân sự”.

Gupta nói rõ hơn tuyên bố của vị thủ tướng Armenia: “Một đội quân ngồi trên mặt đất và một lực lượng không quân sử dụng các máy bay phản lực đắt tiền có phi công ngồi bên trong sẽ không thể đương đầu nổi với một đối thủ thành thạo trong sử dụng UAV”.

Gupta dẫn lời nhà nghiên cứu Franz-Stefan Gady cho rằng “xe tăng và xe thiết giáp có lẽ chưa trở nên lỗi thời nhưng Nagorno-Karabakh đã chứng minh tầm quan trọng ngày càng tăng của việc sử dụng UAV cùng với các vũ khí khác, và tầm quan trọng của lực lượng lục quân được huấn luyện ở mức độ cao”.

Dòng sự kiện: Xung đột Nagorno-Karabakh