Ông Lukashenko: Nga có thể đáp trả cuộc đột kích của Ukraine bằng hạt nhân
(Dân trí) - Theo Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, cuộc đột kích của Ukraine vào Kursk có thể buộc Nga phải đáp trả bằng hạt nhân.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Russia-1 ngày 18/8, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cảnh báo cuộc đột kích của Ukraine vào vùng biên giới Kursk gây ra rủi ro to lớn cho an ninh toàn cầu.
"Hành động khiêu khích của Ukraine ở vùng Kursk có thể đẩy Nga vào hành động đáp trả vượt qua mức vũ khí thông thường. Điều nguy hiểm là kiểu leo thang này có thể buộc Nga đáp trả bất cân xứng, chẳng hạn như sử dụng vũ khí hạt nhân", ông nói.
Ông cho biết thêm, hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander của Nga ở Belarus đã sẵn sàng khai hỏa tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
"Những hệ thống này đã sẵn sàng cho các cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật, sẵn sàng phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân", ông Lukashenko cảnh báo.
Theo học thuyết hạt nhân hiện tại, Nga chỉ có thể triển khai kho vũ khí hạt nhân của mình "để đáp trả việc sử dụng hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác chống lại nước này hoặc các đồng minh, cũng như trong trường hợp hành động gây hấn bằng vũ khí thông thường đe dọa đến sự tồn vong của Nga".
Tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg gần đây, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, Nga đang cẩn trọng theo dõi từng biến động của thế giới, những gì đang diễn ra xung quanh và không loại trừ khả năng đưa ra một số thay đổi đối với học thuyết này.
Kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra cách đây hơn 2 năm, Nga nhiều lần đưa ra cảnh báo về hạt nhân với Ukraine và các nước phương Tây.
Nga đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Belarus và tiến hành các cuộc tập trận chung. Tuy nhiên, giới tình báo phương Tây khẳng định không có dấu hiệu nào cho thấy Moscow sẽ sử dụng loại vũ khí này.
Tổng thống Belarus tuyên bố, Belarus không phải một bên tham chiến và cũng không muốn tham gia vào xung đột Ukraine. Mặt khác, ông nhấn mạnh, nước này luôn sẵn sàng đối phó mọi hành động "khiêu khích" của Ukraine và phương Tây.
Ông cáo buộc Ukraine đã triển khai hơn 120.000 quân gần biên giới Belarus. Ngoài ra, các máy bay không người lái của Ukraine bị cho là thường xuyên vi phạm không phận ở biên giới đông nam Belarus.
Để đáp lại động thái này của Kiev, ông Lukashenko tiết lộ, Belarus đã triển khai khoảng 1/3 quân đội dọc toàn biên giới với Ukraine.
Ông nhấn mạnh, việc phòng thủ biên giới của Belarus được đảm bảo bởi cả Minsk và Moscow, nếu cần thiết, nó có thể chuyển sang trạng thái sẵn sàng cho một cuộc tấn công.
Bàn về cuộc chiến hiện nay giữa Nga và Ukraine, ông Lukashenko hối thúc Ukraine ngồi vào bàn đàm phán để chấm dứt xung đột.
"Chúng ta hãy ngồi vào bàn đàm phán và chấm dứt cuộc giao tranh này. Cả Nga, Ukraine và Belarus đều không mong muốn chiến tranh. Chúng ta cần ngồi vào bàn đàm phán, câu hỏi trước mắt là bắt đầu từ đâu. Theo tôi, nên bắt đầu từ nơi chúng ta đã dừng lại ở Istanbul", ông Lukashenko nói, ám chỉ cuộc đàm phán giữa Kiev và Moscow ở Thổ Nhĩ Kỳ ở giai đoạn đầu xung đột.