1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ông Donald Trump sẽ làm gì cho đến khi nhậm chức?

(Dân trí) - Trong 70 ngày trước khi chính thức nhậm chức, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ còn rất nhiều việc cần làm, trong đó có nhiệm vụ hình thành nội các sẽ cùng ông điều hành chính phủ trong 4 năm tới.

Giành hơn 270 phiếu đại cử tri sau cuộc bầu cử tổng thống diễn ra hôm 8/11, tỷ phú bất động sản New York Donald Trump đã đắc cử thành tổng thống thứ 45 của Mỹ. Quy trình bầu chính thức ông Trump làm tổng thống sẽ phải trải qua một số bước mang tính thủ tục nữa, bao gồm một vòng bỏ phiếu đại cử tri vào ngày 19/12 tới và Quốc hội sẽ kiểm đếm phiếu cho đến tận đầu năm sau trước khi công bố kết quả vào ngày 6/1. Tuy nhiên, tất cả các hoạt động này thường chỉ mang tính thủ tục vì về cơ bản, ứng viên giành đa số phiếu đại cử tri sau bầu cử phổ thông sẽ trở thành tổng thống.

Vì vậy, trong thời gian 70 ngày từ nay đến khi nhậm chức vào ngày 20/1//2017, ông Trump sẽ có rất nhiều việc quan trọng cần làm.

Chọn nội các


Việc đề cử thành phần nội các phải hoàn tất trước ngày nhậm chức. (Ảnh: Getty)

Việc đề cử thành phần nội các phải hoàn tất trước ngày nhậm chức. (Ảnh: Getty)

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trước khi chuyển vào Nhà Trắng của ông Trump đó là lựa chọn thành phần nội các. Năm 2008, khi Tổng thống Barack Obama đắc cử lần đầu, ông đã bổ nhiệm bà Hillary Clinton làm Ngoại trưởng vào ngày 1/12 và hoàn tất việc công bố nội các trong vòng chưa đầy 3 tuần sau đó.

Việc đề cử ứng viên cho nội các sẽ phải hoàn tất trước ngày nhậm chức và cần được Thượng viện thông qua. Những người này sẽ nhậm chức sau khi Tổng thống nhậm chức.

Trong vài tháng trở lại đây, đội ngũ trợ lý của tỷ phú Donald Trump, người vừa đắc cử tổng thống Mỹ, đã âm thầm lập ra danh sách những ứng viên tiềm năng có thể tham gia vào nội các của ông trong nhiệm kỳ 4 năm. Nhóm này bao gồm cả những chính trị gia, trợ lý đã tích cực ủng hộ ông trong chiến dịch tranh cử suốt hơn 1 năm qua như cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich, cựu Thị trưởng New York Rudy Giuliani hay ông Chris Christie. Nhóm này cũng bao gồm cả lãnh đạo doanh nghiệp lớn. Ví dụ, Forrest Lucas, 74 tuổi, đồng sáng lập công ty hóa dầu Lucas Oil, được cân nhắc trở thành Bộ trưởng Bộ Nội vụ, trong khi lãnh đạo kỳ cựu của Goldman Sachs cũng nằm trong tầm ngắm để trở thành Bộ trưởng Tài chính trong chính quyền của ông Trump.

Thăm Nhà Trắng


Tổng thống đắc cử Donald Trump đã có chuyến thăm đầu tiên tới Nhà Trắng hôm 10/11. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã có chuyến thăm đầu tiên tới Nhà Trắng hôm 10/11. (Ảnh: Reuters)

Theo truyền thống, trong vài tuần kể từ ngày bầu cử đến ngày nhậm chức, Đệ nhất phu nhân sắp mãn nhiệm và Đệ nhất phu nhân nhiệm kỳ tới sẽ gặp nhau tại Nhà Trắng để thăm quan một vòng tổng hành dinh này. Thực tế, hôm 10/11, Tổng thống đắc cử Donald Trump và vợ là bà Melania đã có chuyến thăm đầu tiên tới Nhà Trắng. Tại đây, ông Trump đã có cuộc trò chuyện kéo dài 90 phút với Tổng thống Obama, lâu hơn so với thời gian 10-15 phút dự định ban đầu. Đệ nhân phu nhân Michelle cũng tiếp chuyện bà Melania.

Trao đổi với Quốc hội

Với việc đảng Cộng hòa tiếp tục giành quyền kiểm soát ở cả Hạ viện và Thượng viện, chính phủ của ông Trump được cho là sẽ dễ dàng được thông qua các đề xuất chính sách và đẩy nhanh quá trình phê chuẩn bổ nhiệm.

Điều này còn phụ thuộc vào mối quan hệ giữa ông Trump với lãnh đạo lưỡng viện, mà thực tế Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan đã chúc mừng ông Trump trong đêm bầu cử, trong khi phó tướng của ông, Mike Pence, có mối quan hệ khá mật thiết với các nghị sĩ Cộng hòa. Mặt khác, các nhà làm luật Dân chủ vẫn có ảnh hưởng đáng kể trong việc phê chuẩn những đề xuất chính sách của ông Trump.

Các trao đổi giữa ông Trump với lãnh đạo quốc hội trong những tháng tới có thể coi là chỉ báo quan trọng về tương tác giữa tổng thống và quốc hội trong nhiệm kỳ 4 năm tới cũng như về tương lai của những đề xuất chính sách mà ông Trump đã đưa ra.

Làm quen với vai trò Tổng tư lệnh


Tổng thống Mỹ cũng đồng thời là Tổng tư lệnh quân đội. (Ảnh minh họa: AP)

Tổng thống Mỹ cũng đồng thời là Tổng tư lệnh quân đội. (Ảnh minh họa: AP)

Tại Mỹ, Tổng thống đồng thời cũng là Tổng tư lệnh, do đó, trở thành tổng thống ông Trump cũng đồng nghĩa với việc làm quen ở cương vị Tổng tư lệnh quân đội. Trong những ngày tới, ông Trump và các cố vấn cấp cao sẽ bắt đầu được tiếp cận các thông tin tình báo chuyên sâu, và sẽ có các cuộc họp thường xuyên về các vấn đề ngoại giao quan cũng như thời sự quốc tế quan trọng. Ngoài ra, Nhà Trắng và đội ngũ an ninh quốc gia của ông Trump sẽ tiến hành tập dượt việc quản lý khủng hoảng quy mô lớn trong thời gian tới.

Nhậm chức


Ban công ở tòa nhà Quốc hội, nơi ông Trump sẽ đọc diễn văn tuyên thệ nhậm chức. (Ảnh: AP)

Ban công ở tòa nhà Quốc hội, nơi ông Trump sẽ đọc diễn văn tuyên thệ nhậm chức. (Ảnh: AP)

Tổng thống Obama sẽ kết thúc nhiệm kỳ tổng thống và Tổng tư lệnh đến trưa 20/1/2017 khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức trở thành tổng thống tiếp theo của Mỹ.

Lễ nhậm chức diễn diễn ra ở Washington DC, bắt đầu bằng nghi lễ cầu nguyện, tiếp đến là nghi lễ tuyên thệ nhậm chức tại tòa nhà Quốc hội của cả Tổng thống và Phó tổng thống. Tại đây, Tổng thống đắc cử sẽ đọc bài diễn văn nhậm chức trước khi tham gia vào lễ diễu hành nhậm chức.

Chuyển vào Nhà Trắng


Nhà Trắng. (Ảnh: EPA)

Nhà Trắng. (Ảnh: EPA)

Ngày nhậm chức cũng đồng thời là ngày Tổng thống đắc cử và gia đình chuyển vào Nhà Trắng. Gia đình Tổng thống Obama sẽ phải tạm biệt nhân viên Nhà Trắng để giao lại Nhà Trắng cho chủ nhân mới.

Thực hiện kế hoạch trong 100 ngày đầu tiên

Sau khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức, dư luận sẽ quan tâm đến những việc ông có thể làm trong 100 ngày đầu tiên để thực hiện những cam kết đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử như giảm thuế, kiểm soát nhập cư… Trong thời gian này, ông Trumo có thể sẽ có chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Tổng thống Nga Valdimir Putin có thể là một trong những nguyên thủ đầu tiên ông Trump sẽ hội đàm.

Minh Phương

Tổng hợp