1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Những phương án Mỹ có thể dùng để "giải quyết" vấn đề Triều Tiên

(Dân trí) - Chuyên gia chiến lược Anh Mark Almond nhận định về những phương án mà các lãnh đạo Mỹ và phương Tây có thể sử dụng để nhằm giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng leo thang.


Tên lửa của quân đội Triều Tiên trong một cuộc duyệt binh (Ảnh: Reuters)

Tên lửa của quân đội Triều Tiên trong một cuộc duyệt binh (Ảnh: Reuters)

Nguy cơ chiến tranh Mỹ Triều Tiên đang gây ra những căng thẳng trên toàn cầu sau những phát ngôn và tuyên bố "rắn" từ hai phía. Chuyên gia chiến lược Mark Almond, Giám đốc Viện Nghiên cứu Khủng hoảng, (Oxford, Anh), đã nhận định về những phương án mà Mỹ và phương Tây có thể cân nhắc để đối phó với Triều Tiên.

Tấn công quy mô nhỏ

Năm 1994, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng cân nhắc việc dùng máy bay ném bom chiến lược để tấn công các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên trước khi Bình Nhưỡng kịp sản xuất thành công vũ khí loại này. Tuy nhiên, ông Clinton đã bỏ qua lựa chọn đó vì lo ngại rằng việc tấn công Triều Tiên sẽ khiến Bình Nhưỡng đáp trả đồng minh Hàn Quốc và một cuộc chiến tranh đẫm máu có thể sẽ xảy ra.

Hiện tại, Mỹ có năng lực quân sự hùng mạnh từ các căn cứ ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Guam, những nơi Mỹ có thể triển khai các cuộc tấn công bằng máy bay ném bom chiến lược B-1B, tên lửa hành trình, máy bay cùng đội tàu sân bay hạt nhân.

Trong khi đó, Triều Tiên được cho là cũng có sự phòng bị tốt hơn trước bất cứ nguy cơ một cuộc không kích nào của Mỹ.

Triều Tiên hiện đã phát triển chương trình vũ khí hạt nhân, cũng như các bệ phóng di động giúp quân đội của họ có thể di chuyển và che giấu tên lửa. Ngoài ra, việc phóng tên lửa dùng nhiên liệu rắn của Triều Tiên hiện nay nhanh hơn rất nhiều so với tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng trước đây. Mỹ gần đây cũng đã lo ngại về việc Triều Tiên có thể thu nhỏ đầu đạn hạt nhân và gắn vào tên lửa.

Chiến tranh quy mô lớn

Sau khi chiến tranh liên Triều tạm lắng, Mỹ đã củng cố lực lượng ở phía nam bán đảo Triều Tiên với căn cứ quân sự tại Hàn Quốc. Thực tế hiện tại so với những năm 1950, Triều Tiên vẫn chưa có một lực lượng hải quân đủ mạnh để bảo vệ đường bờ biển. Viễn cảnh lính thủy đánh bộ của Mỹ đổ bộ xuống bờ biển Triều Tiên và tiến thẳng vào Bình Nhưỡng như tháng 10/1950 là hoàn toàn có thể xảy ra.

Nhưng lần này, nếu một cuộc tấn công xảy ra, quân đội Triều Tiên, với trang bị quân sự ít ỏi nhưng đông về số lượng, có thể sẽ cố thủ để chờ Mỹ tiến vào. Vì vậy, để kết thúc cuộc chiến một cách nhanh chóng, Mỹ cần huy động lực lượng quân đội lớn triển khai tới Triều Tiên.

Tuy nhiên, Mỹ cũng đang vướng vào cuộc chiến tại Syria và Afghanistan. Chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên sẽ khiến Mỹ khó có thể cân bằng lực lượng chiến lược tại các chiến trường khác nhau, trừ khi có sự tham gia của 650.000 binh sĩ Hàn Quốc. Về phía Hàn Quốc, họ có thể phải miễn cưỡng tham gia vào cuộc chiến mà rõ ràng có thể gây nguy hại cho chính bản thân họ khi Triều Tiên có thể tấn công trả đũa Seoul ngay sau đường biên giới.

Ngoài ra, Mỹ còn phải đối mặt với Trung Quốc nếu muốn tấn công Triều Tiên. Việc Trung Quốc tỏ ra “nước đôi”, mập mờ trong việc lựa chọn giữa Triều Tiên hay Mỹ có thể dẫn tới rủi ro lớn không thể lường trước. Ngay cả khi Trung Quốc đồng tình, rủi ro vẫn là rất lớn khi Triều Tiên sở hữu số bom hạt nhân có thể lên tới 60 và có thể bắn sang Hàn Quốc bất cứ lúc nào.

Hồ sơ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên

Tấn công hạt nhân

“Những cái đầu nóng” ở Washington có thể đang bàn đến phương án sử dụng bom hạt nhân nhằm loại bỏ mối đe dọa Triều Tiên một lần và mãi mãi. Nhưng trước đó, Mỹ cần cân nhắc tới hậu quả mà cuộc chiến gây nên cả về mặt nhân đạo lẫn quân sự từ Nga và Trung Quốc sau này.

Gây áp lực lên Trung Quốc

Mỹ đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo Trung Quốc về việc sử dụng quyền lực mềm kiềm chế nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tuy nhiên, việc này không hẳn dễ dàng với Trung Quốc khi Triều Tiên đã cảnh giác hơn với việc quá thân thiết với Bắc Kinh.

Ngoài ra, điều Mỹ lo ngại là Trung Quốc vẫn cung cấp các công nghệ vũ khí mới cho Triều Tiên. Ngay cả khi Trung Quốc ngừng hỗ trợ, tình báo Mỹ vẫn cảnh báo rằng Bình Nhưỡng có thể “đi đêm” với các nhà sản xuất Trung Quốc để đổi lấy bí mật quân sự.

Cuối cùng, trong nỗ lực đàm phán với Mỹ để kiềm chế Bình Nhưỡng, Trung Quốc luôn đặt ra điều kiện Triều Tiên phải tồn tại là một nhà nước độc lập. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson chia sẻ rằng ông có thể chấp nhận điều này, việc còn lại ông cần thuyết phục Tổng thống Trump.

Hành động quốc tế

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhiều lần áp lệnh trừng phạt lên Triều Tiên từ 10 năm trước khi Bình Nhưỡng bắt đầu thử vũ khí hạt nhân. Điều này có nghĩa là Trung Quốc và Nga đồng tình về mặt nguyên tắc với lệnh trừng phạt này.

Tuy nhiên, thực tế Trung Quốc và Nga chính là cửa ngõ để Triều Tiên có thể kết nối ra thế giới. Hai quốc gia này hoàn toàn có thể tác động mạnh mẽ tới Triều Tiên nếu cả 2 đều cắt đứt hoạt động thương mại và xuất khẩu. Nhưng ngay cả Moscow và Bắc Kinh đều nằm trong tầm ngắm tên lửa của Bình Nhưỡng. Vì vậy, với rủi ro cận kề, sẽ cần một đề xuất đủ sức nặng từ Mỹ để Nga và Trung Quốc chấp nhận việc có thể phải “trả giá”.

Đức Hoàng

Theo Dailymail