1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhóm khủng bố khét tiếng đứng sau vụ đánh bom đẫm máu ở sân bay Kabul

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trước vụ đánh bom sân bay Kabul làm hơn 100 người chết, nhóm khủng bố ISIS-K - một nhánh khét tiếng của tổ chức IS - đã gây ra hàng loạt các vụ tấn công đẫm máu khác trên lãnh thổ Afghanistan.

Hiện trường vụ nổ bom như "ngày tận thế" tại sân bay Kabul

Nhóm khủng bố khét tiếng đứng sau vụ đánh bom đẫm máu ở sân bay Kabul - 1

Các phần tử khủng bố ISIS-K trong một tài liệu tuyên truyền (Ảnh: NY Post).

Ngày 26/8, nhóm khủng bố ISIS-K đã thừa nhận thực hiện vụ đánh bom tại sân bay Kabul, Afghanistan khi "biển" người đang hối hả di tản khỏi quốc gia Trung Nam Á. Hơn 100 người đã thiệt mạng, gồm các thường dân Afghanistan và 13 quân nhân Mỹ. Hàng trăm người khác cũng bị thương trong vụ tấn công.

Trước vụ việc hôm qua, ISIS-K - một nhánh tại Afghanistan của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) -  được biết tới là nhóm khủng bố tàn bạo, đã thực hiện các vụ tấn công nhằm vào các thường dân vô tội trong suốt những năm qua.

ISIS-K thề trung thành với IS và nhóm này hoạt động mạnh nhất ở tỉnh Khorasan, Afghanistan. Nhóm khủng bố cực đoan này đã chiến đấu với Taliban trong nhiều năm qua để tranh giành lãnh thổ ở Afghanistan sau sự sụp đổ của IS tại Syria và Iraq. Theo RT, IS coi ISIS-K là mắt xích trong kế hoạch "chinh phạt" khu vực Nam và Trung Á của chúng trong tương lai.

Chỉ huy đầu tiên của ISIS-K là một người Pakistan tên là Hafiz Saeed Khan. Cựu thành viên Taliban và cựu tù nhân nhà tù Guantanamo (Mỹ) Abdul Rauf Aliza làm cấp phó của Khan. Cả Aliza và Khan đều thiệt mạng trong các cuộc không kích của Mỹ ở Afghanistan lần lượt vào năm 2015 và 2016. Thủ lĩnh hiện tại của ISIS-K là Shahab al-Muhajir.

Tội ác của ISIS-K

Nhóm khủng bố khét tiếng đứng sau vụ đánh bom đẫm máu ở sân bay Kabul - 2

Hiện trường vụ tấn công đẫm máu nhằm vào đại học Kabul, Afghanistan làm 35 người chết hồi năm ngoái do ISIS-K thực hiện (Ảnh: Reuters).

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington (Mỹ), ISIS-K đã thực hiện gần 100 cuộc tấn công nhằm vào dân thường ở Afghanistan và Pakistan trong suốt năm 2017 và 2018, ngoài khoảng 250 cuộc đụng độ với lực lượng an ninh Mỹ, Afghanistan và Pakistan.

Năm ngoái, ISIS-K nhận trách nhiệm vụ tấn công đại học Kabul làm ít nhất 35 người chết; vụ nã rocket vào phủ tổng thống Afghanistan; và vụ tấn công sân bay Hamid Karzai ở thủ đô Kabul.

Hồi tháng 5 năm nay, ISIS-K đã tấn công một ngôi trường ở Kabul, làm 68 người chết, 165 người bị thương, hầu hết là nữ giới. Vào tháng 6, ít nhất 10 người thiệt mạng và 16 người bị thương sau khi ISIS-K tấn công tổ chức từ thiện rà phá bom mìn HALO Trust của Anh - Mỹ ở tỉnh Baghlan.

ISIS-K cũng bị cáo buộc tấn công vào khoa sản của tổ chức "Bác sĩ không biên giới" ở Kabul và nổ súng vào những người vô tội. Hồi tháng 1, lực lượng an ninh Afghanistan xác nhận đã bắt một số thành viên ISIS-K âm mưu ám sát một nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ ở Kabul.

Một báo cáo của Liên Hợp Quốc công bố hồi tháng 6 cho biết, ISIS-K có một nhóm nòng cốt gồm khoảng 1.500 đến 2.200 phần tử khủng bố.

Taliban, phong trào vũ trang lên nắm quyền ở Afghanistan từ ngày 15/8, là kẻ thù "không đội trời chung" với ISIS-K. Hai bên từng đụng độ nhau trong quá khứ. Các phần tử ISIS-K thề trung thành với hệ tư tưởng bạo lực và cực đoan của IS, bao gồm viễn cảnh về vương quốc Hồi giáo để thống nhất thế giới Hồi giáo, một mục tiêu mà Taliban không tán thành.

Theo BBC, quan điểm của Taliban là xây dựng nhà nước Hồi giáo gói gọn trong lãnh thổ Afghanistan, trong khi IS và ISIS-K đi theo hệ tư tưởng cực đoan, tàn bạo và chúng thường tấn công vào các mục tiêu phương Tây, quốc tế và nhân đạo ở bất cứ nơi nào chúng có thể tiếp cận.