Nhiệm vụ quan trọng của tổ hợp phòng không Gepard tại Ukraine
(Dân trí) - Các chuyên gia quân sự Ukraine đã nhận định về nhiệm vụ chính của các tổ hợp pháo phòng không tự hành Gepard được Đức viện trợ hồi cuối tháng 7.
Theo các nguồn tin gần gũi với giới chức quốc phòng Ukraine, các tổ hợp pháo phòng không tự hành Gepard (Báo săn) sẽ được quân đội Ukraine sử dụng để bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng trước sự tấn công của các máy bay và tên lửa đạn đạo tầm thấp của quân đội Nga.
"Các tổ hợp Gepard được Đức viện trợ được sử dụng để tiêu diệt máy bay trực thăng, tên lửa và máy bay cánh bằng bay ở độ cao thấp. Phiên bản được viện trợ cũng có thể được tích hợp vào mạng lưới phòng không của Ukraine và qua đó nhận được tín hiệu dẫn đường từ các radar hiện đại", các chuyên gia quân sự Oleksander Kovalenko và Oleksii Bobovnikov cho biết.
Trước đó, trong một tuyên bố được đưa ra vào tối 26/7, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Aleksey Reznikov cho hay quân đội nước này đã nhận được những hệ thống phòng không tự hành Gepard đầu tiên từ Đức.
"Chúng tôi sẽ nhận được 15 pháo phòng không tự hành Gepard. Ba hệ thống Gepard đầu tiên, cùng hàng chục ngàn đạn pháo, đã được chuyển giao cho Ukraine", ông Reznikov nói.
Các hệ thống Gepard này nằm trong gói viện trợ 30 pháo phòng không tự hành mà Đức cam kết chuyển giao cho Ukraine. Theo kế hoạch, 15 hệ thống Gepard đầu tiên sẽ được Berlin chuyển cho Kiev trong tháng này. 15 hệ thống còn lại sẽ được bàn giao trong tháng 8.
Các hệ thống pháo phòng không tự hành Gepard được chế tạo ở Tây Đức từ những năm 1970 và được đặt trên khung gầm của xe tăng Leopard 1. Là một xe chiến đấu đa năng, hệ thống phòng không này nổi tiếng với khả năng hoạt động được trong mọi thời tiết.
Ngoài đạn chiến đấu được sản xuất bởi Thụy Sĩ, Gepard còn được trang bị 2 radar và máy đo laser nhằm tăng cường khả năng phát hiện mục tiêu. Được biết, hệ thống này đã dần bị loại biên khỏi quân đội Đức từ năm 2010 sau khi lực lượng này chuyển sang sử dụng xe thiết giáp Wiesel gắn tên lửa phòng không FIM-92 Stinger hoặc LFK NG.
Theo thống kê, kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Berlin đã cung cấp cho các lực lượng vũ trang Ukraine 3.000 bệ phóng tên lửa chống tăng vác vai Panzerfaust 3, 14.900 mìn chống tăng, 500 tên lửa Stinger do Mỹ sản xuất và 2.700 tên lửa phòng không vác vai Strela. Ngoài ra, 100 súng máy MG3, 50 hỏa tiễn xuyên phá boong-ke, 21,8 triệu đạn dược cho vũ khí hạng nhẹ, 100.000 quả lựu đạn cầm tay cùng nhiều vật tư chiến tranh khác đã được Đức viện trợ cho Ukraine.
Bên cạnh đó, một số lượng không xác định các vũ khí hạng nặng như pháo phản lực phóng loạt và pháo tự hành cũng đã được Đức chuyển giao cho quân đội Ukraine.