1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đức chuyển giao pháo phòng không tự hành "Báo săn" cho quân đội Ukraine

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Ukraine tuyên bố nước này đã tiếp nhận 3 hệ thống pháo phòng không Gepard của Đức, cùng hàng chục nghìn đạn pháo.

Đức chuyển giao pháo phòng không tự hành Báo săn cho quân đội Ukraine - 1
Pháo phòng không tự hành Gepard đã được Đức chuyển giao cho Ukraine (Ảnh: Defense Express).

Trong một tuyên bố được đưa ra vào tối 26/7, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Aleksey Reznikov cho biết quân đội nước này đã nhận được những hệ thống phòng không tự hành Gepard ("Báo săn") đầu tiên từ Đức.

"Chúng tôi sẽ nhận được 15 pháo phòng không tự hành Gepard. Ba hệ thống Gepard đầu tiên, cùng hàng chục ngàn đạn pháo, đã được chuyển giao cho Ukraine", ông Reznikov nói.

Các hệ thống Gepard này nằm trong gói viện trợ 30 pháo phòng không tự hành mà Đức cam kết sẽ chuyển giao cho Ukraine. Theo kế hoạch, 15 hệ thống Gepard đầu tiên sẽ được Berlin chuyển cho Kiev trong tháng này. 15 hệ thống còn lại sẽ được bàn giao trong tháng 8.

Trước đó, Đức đã gặp khó khăn trong việc chuyển giao các hệ thống này cho Ukraine do Thụy Sĩ từ chối việc tái xuất khẩu lượng đạn pháo cỡ nòng 35mm sản xuất tại nước này do quan ngại về vai trò trung lập trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Đức chuyển giao pháo phòng không tự hành Báo săn cho quân đội Ukraine - 2
Hệ thống Gepard của Đức trong một cuộc diễn tập vào tháng 10/2004 (Ảnh: Bundeswehr).

Các hệ thống pháo phòng không tự hành Gepard được chế tạo ở Tây Đức từ những năm 1970 và được đặt trên khung gầm của xe tăng Leopard 1. Là một xe chiến đấu đa năng, hệ thống phòng không này nổi tiếng với khả năng hoạt động được trong mọi thời tiết. Ngoài đạn chiến đấu được sản xuất bởi Thụy Sĩ, Gepard còn được trang bị 2 radar và máy đo laser nhằm tăng cường khả năng phát hiện mục tiêu. Được biết, hệ thống này đã dần bị loại biên khỏi quân đội Đức từ năm 2010 sau khi lực lượng này chuyển sang sử dụng xe thiết giáp Wiesel gắn tên lửa phòng không FIM-92 Stinger hoặc LFK NG.

Các hệ thống Gepard được chuyển giao trong đợt này là lần thứ 2 Đức viện trợ vũ khí hạng nặng cho quân đội của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Trước đó, 7 pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 đã được gửi đến Ukraine vào giữa tháng 6.

Theo thống kê, kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Berlin đã cung cấp cho các lực lượng vũ trang Ukraine 3.000 bệ phóng tên lửa chống tăng vác vai Panzerfaust 3, 14.900 quả mìn chống tăng, 500 tên lửa Stinger do Mỹ sản xuất và 2.700 tên lửa phòng không vác vai Strela. Ngoài ra, 100 súng máy MG3, 50 hỏa tiễn xuyên phá boong-ke, 21,8 triệu đạn dược cho vũ khí hạng nhẹ, 100.000 quả lựu đạn cầm tay cùng nhiều vật tư chiến tranh khác đã được Đức viện trợ cho Ukraine. Nhiều nguồn tin còn khẳng định các xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard của Đức cũng sẽ sớm được chuyển đến Ukraine.

Số lượng vũ khí này đã được quân đội Ukraine sử dụng tương đối hiệu quả trong việc đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga cũng như tổ chức phản công nhằm giành lại phần lãnh thổ đã mất.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm