1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nguy cơ rò rỉ phóng xạ khi Triều Tiên đánh sập khu thử hạt nhân

(Dân trí) - Việc Triều Tiên dỡ bỏ khu thử hạt nhân, nơi từng được sử dụng để tiến hành tất cả các vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng từ trước đến nay, đã đặt ra nhiều lo ngại về nguy cơ rò rỉ phóng xạ.

Hình chụp vệ tinh bãi thử Punggye-ri (Ảnh: Reuters)
Hình chụp vệ tinh bãi thử Punggye-ri (Ảnh: Reuters)

Triều Tiên mới đây đã tuyên bố đóng cửa khu thử hạt nhân Punggye-ri ở phía đông bắc nước này từ ngày 23-25/5 trước sự chứng kiến của truyền thông quốc tế. Hoạt động đóng cửa này bao gồm việc đánh sập và chặn lối ra vào các đường hầm. Tất cả cơ sở giám sát, tòa nhà nghiên cứu và trạm an ninh cũng sẽ được dỡ bỏ.

Khu thử Punggye-ri là nơi diễn ra toàn bộ 6 vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, bao gồm vụ thử mới nhất và mạnh nhất từ trước đến nay vào tháng 9 năm ngoái. Bình Nhưỡng khi đó tuyên bố nước này đã thử thành công một quả bom nhiệt hạch.

Theo Reuters, nếu không được xử lý triệt để, việc đánh sập các đường hầm tại khu thử hạt nhân có thể dẫn tới nguy cơ phát tán phóng xạ. Vật liệu hạt nhân có thể được chôn lấp, song chúng vẫn có thể dễ dàng được đào lên và tái sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân. Thậm chí ngay cả khi tất cả các đường hầm đều bị phá hủy, nhiều người lo ngại rằng các kỹ sư Triều Tiên vẫn có thể chọn một phương án đơn giản là đào một đường hầm mới nếu họ thực sự muốn tiến hành một vụ thử hạt nhân khác.

Nguy cơ an toàn

Đồ họa các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên từ năm 2006 đến nay (Ảnh: BBC)
Đồ họa các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên từ năm 2006 đến nay (Ảnh: BBC)

Các chuyên gia về giải giáp vũ khí đã đặt ra những giả thuyết trên sau khi Triều Tiên hồi cuối tuần trước cho biết sẽ sử dụng thuốc nổ để đánh sập các đường hầm tại khu thử hạt nhân Punggye-ri. Bình Nhưỡng đã mời các phóng viên quốc tế tới chứng kiến quá trình phá hủy khu thử hạt nhân công khai, song danh sách khách mời không có các thanh sát viên kỹ thuật. Điều này khiến các chuyên gia về giải giáp vũ khí và các nhà khoa học hạt nhân đặt dấu hỏi về mức độ hiệu quả của kế hoạch phá hủy khu thử cũng như nguy cơ an toàn từ hoạt động này.

Các thông tin được đưa ra gần đây cho thấy một số khu vực tại khu thử Punggye-ri đã trở nên mất ổn định sau vụ thử hạt nhân lớn nhất và mạnh nhất vào tháng 9 năm ngoái.

Theo ông Suh Kune-yull, giáo sư về năng lượng hạt nhân tại Đại học Quốc gia Seoul, các vụ nổ có thể tiềm ẩn những nguy cơ nhất định, song vẫn có những cách mà Triều Tiên có thể sử dụng để đảm bảo quá trình phá bỏ khu thử hạt nhân diễn ra an toàn và đáng tin cậy hơn. Giáo sư Suh nhận định “cho nổ tung khu thử hạt nhân không phải là cách lý tưởng nhất”, thay vào đó biện pháp tốt nhất là lấp đầy các đường hầm tại khu thử này bằng bê tông, cát hoặc sỏi.

Ông Suh cho biết một lượng lớn phóng xạ đã được phát hiện tại một trong số các tổ hợp hầm mà Triều Tiên từng cho thử hạt nhân, bao gồm vụ thử mới nhất mà Triều Tiên tuyên bố là bom nhiệt hạch. Tuy nhiên hệ thống hầm tại các bãi thử hạt nhân dưới lòng đất thường được thiết kế để ngăn được sức nổ từ bom hạt nhân trước khi chất phóng xạ có thể bị rò rỉ ra ngoài. Các chuyên gia tin rằng Triều Tiên có thể đã biết cách ngăn chặn rò rỉ phóng xa sau 6 lần thử hạt nhân trong 10 năm qua.

“Nếu được xử lý tốt thì không có nguy cơ rò rỉ phóng xạ. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu các đường hầm này có được xử lý theo hướng để không thể tái sử dụng hay không? Nguy cơ duy nhất mà tôi nhận ra là chúng ta sẽ xem việc Triều Tiên phá hủy một vài đường hầm như một rào cản để nước này không thể tiếp tục nối lại các cuộc thử nghiệm trong tương lai”, Jon Wolfsthal, người đứng đầu Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng hạt nhân và là cựu quan chức kiểm soát vũ khí tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết.

Các nước từng phá hủy khu thử hạt nhân

Ông Kim Jong-un thị sát tên lửa Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
Ông Kim Jong-un thị sát tên lửa Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Theo các nhà phân tích, việc Triều Tiên phá bỏ khu thử hạt nhân có thể là cách nước này học theo các cường quốc hạt nhân - những nước dù đã ngừng thử nghiệm song vẫn duy trì vũ khí hạt nhân trong kho.

Chuyên gia Suh cho rằng ngoài việc đóng cửa các đường hầm và phá hủy các tòa nhà, toàn bộ khu thử Punggye-ri cần phải được phong tỏa để đảm bảo rằng người Triều Tiên hoặc một số đối tượng hám lợi không thể tiếp cận khu vực này và đào các vật liệu hạt nhân lên, từ đó tái sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc bán chúng cho thị trường chợ đen. Theo ông Suh, nỗ lực đóng cửa khu thử hạt nhân của một số nước trên thế giới từng gặp nhiều vấn đề lộn xộn.

Năm 1999, Mỹ từng chi 800.000 USD để thực hiện một vụ nổ với sức công phá tương đương 100 tấn thuốc nổ nhằm đánh sập một đường hầm tại khu thử hạt nhân của Liên Xô trước đây ở Kazakhstan. Được biết đến với tên gọi “Núi Plutonium”, khu thử hạt nhân Semipalatinsk của Liên Xô bao trùm một khu vực rộng lớn với diện tích tương đương lãnh thổ Bỉ. Đây cũng là nơi diễn ra 455 vụ thử hạt nhân trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, trong đó có ít nhất 340 lần cho nổ dưới lòng đất. Theo báo cáo của Trung tâm Belfer thuộc Đại học Harvard, công tác làm sạch và phong tỏa “Núi Plutonium” đã tiêu tốn 150 triệu USD trong vòng 17 năm.

Từng tiến hành 13 vụ thử hạt nhân dưới lòng đất tại sa mạc Sahara vào những năm 1960, Pháp khẳng định nước này “đã đóng cửa và dỡ bỏ các cơ sở thử nghiệm hạt nhân”. Báo cáo hồi năm 2005 của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng kết luận hầu hết các khu thử hạt nhân của Pháp tại Algeria đều cho thấy mức độ chất thải phóng xạ ở mức thấp.

Tuy vậy, những người dân địa phương và chính phủ Algeria cho biết các vụ thử hạt nhân của Pháp, bao gồm “vụ Beryl” năm 1962 với đá và bụi phóng xạ văng ra từ vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất, đã để lại hậu quả nặng nề về môi trường cũng như sức khỏe cho người dân cho tới tận bây giờ.

Trung Quốc, Pakistan và Ấn Độ đều là những nước từng tiến hành các vụ thử hạt nhân dưới lòng đất. Nam Phi cũng đóng cửa các hầm ngầm hạt nhân mà chưa tiến hành vụ thử nào. Trong khi đó, Mỹ đã thử nghiệm ít nhất 828 quả bom hạt nhân dưới lòng đất tại khu thử Nevada. Khu thử này hiện vẫn chưa đóng cửa dù Mỹ đã dừng các vụ thử hạt nhân từ năm 1992.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm