1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Số phận khó đoán của hàng nghìn nhà khoa học hạt nhân Triều Tiên

(Dân trí) - Ngoài dỡ bỏ các cơ sở và kho vũ khí hạt nhân, việc quyết định số phận của hàng nghìn nhà khoa học hạt nhân Triều Tiên trong tiến trình phi hạt nhân hóa có thể sẽ được đưa ra bàn thảo tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới.

Các nhà khoa học Triều Tiên làm việc tại cơ sở hạt nhân ở Yongbyun, tình Bắc Pyongan (Ảnh: YTN)
Các nhà khoa học Triều Tiên làm việc tại cơ sở hạt nhân ở Yongbyun, tình Bắc Pyongan (Ảnh: YTN)

Triều Tiên đã cam kết đi trên con đường phi hạt nhân hóa hoàn toàn sau khi tuyên bố sẽ phá hủy khu thử hạt nhân trước sự chứng kiến của các hãng truyền thông quốc tế do Bình Nhưỡng mời đến.

Mặc dù bước đi bất ngờ của Triều Tiên làm dấy lên nhiều hy vọng về viễn cảnh hòa bình ở khu vực Đông Bắc Á, song nhiều người vẫn cho rằng mục tiêu hòa bình này có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn kỳ vọng vì còn tính đến “số phận” của các nhà khoa học hạt nhân Triều Tiên. Được xem là “bộ não” đứng sau chương trình hạt nhân của chính quyền Triều Tiên, tương lai của các nhà khoa học hạt nhân được đánh giá là vấn đề quan trọng trong bối cảnh Bình Nhưỡng chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Mỹ và các cuộc gặp với lãnh đạo các nước có liên quan.

10.000 nhà khoa học?

Giới chuyên gia tại Hàn Quốc và một số nước khác nhận định, quá trình “giải tán chất xám” trong chương trình hạt nhân Triều Tiên có thể liên quan tới 10.000 nhà khoa học, trong đó có 200 lãnh đạo chủ chốt, 2.000 chuyên gia và 6.000 kỹ thuật viên. Quá trình này được cho là sẽ diễn ra đồng thời với việc dỡ bỏ khu thử hạt nhân Punggye-ri, nơi diễn ra toàn bộ 6 vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, từ ngày 23-25/5 tới.

Theo các chuyên gia về Triều Tiên, câu hỏi được đặt ra hiện nay là liệu nhà lãnh đạo Kim Jong-un, người vốn xem các nhà khoa học hạt nhân “như lá bài cuối cùng của Triều Tiên”, có đồng ý giải tán lực lượng này hay không.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un trao quà là đồng hồ có in tên cố lãnh đạo Kim Jong-il cho một nhà khoa học hạt nhân hồi năm 2013 nhằm ghi nhận đóng góp của nhà khoa học cho sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia Triều Tiên (Ảnh: Korea Times)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un trao quà là đồng hồ có in tên cố lãnh đạo Kim Jong-il cho một nhà khoa học hạt nhân hồi năm 2013 nhằm ghi nhận đóng góp của nhà khoa học cho sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia Triều Tiên (Ảnh: Korea Times)

Khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới thăm Triều Tiên hồi tháng 5 và gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un để thảo luận về việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh song phương, Washington đã đề nghị Bình Nhưỡng đưa các nhà khoa học hạt nhân ra nước ngoài và xóa bỏ các dữ liệu liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân. Mục đích của các động thái này nhằm đảm bảo rằng Triều Tiên sẽ tiến hành phi hạt nhân hóa một cách hiệu quả nhất.

Với lập trường mong muốn Triều Tiên phi hạt nhân hóa “toàn bộ, vĩnh viễn và có thể xác minh được”, chính quyền Tổng thống Donald Trump lo ngại rằng chừng nào các nhà khoa học hạt nhân Triều Tiên chưa được đưa ra nước ngoài, chừng đó Bình Nhưỡng vẫn có thể tái khởi động chương trình hạt nhân bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc mới đây tuyên bố Triều Tiên phải giải giáp toàn bộ vũ khí hạt nhân hoặc chuyển chất thải hạt nhân sang một nước thứ ba. Seoul và Washington muốn Bình Nhưỡng phải loại bỏ các chất thải hạt nhân, coi đây là một phần của tiến trình phi hạt nhân hóa.

Giới phân tích cho rằng Triều Tiên có thể tận dụng các nỗ lực giải giáp vũ khí hạt nhân để thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát triển nền kinh tế. Trong trường hợp nguồn vốn từ nước ngoài rót vào Triều Tiên không nhiều như kỳ vọng và các nhà khoa học hạt nhân vẫn chưa rời khỏi đất nước, giới phân tích lo ngại Bình Nhưỡng có thể quay trở lại con đường phát triển vũ khí hạt nhân.

“Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, vấn đề chủ yếu có thể sẽ tập trung vào việc đưa vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo liên lục địa, uranium cũng như các nguyên liệu hóa học khác được dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân ra nước ngoài”, Chung Sung-jang, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Sejong, Hàn Quốc nhận định.

“Việc giải quyết các nhà khoa học Triều Tiên có thể được đưa ra sau vấn đề chính. Tôi nghĩ hai nước sẽ xử lý vấn đề này cẩn trọng và chậm rãi hơn”, chuyên gia Chung cho biết thêm.

Tuy vậy, ông Chung không đánh giá cao vai trò của các nhà khoa học hạt nhân trong trường hợp của Triều Tiên.

“Nếu Triều Tiên thực sự dỡ bỏ các cơ sở hạt nhân và chuyển các đầu đạn hạt nhân cũng như tên lửa đạn đạo liên lục địa ra nước ngoài, Bình Nhưỡng sẽ không thể tái khởi động chương trình hạt nhân ngay cả khi các nhà khoa học hạt nhân đang ở trong nước”, chuyên gia Hàn Quốc nhận định.

Lịch sử lặp lại?

Nhà khoa học Pakistan Abdul Qadeer Khan từng bị cáo buộc bán công nghệ hạt nhân cho một loạt quốc gia, trong đó có Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
Nhà khoa học Pakistan Abdul Qadeer Khan từng bị cáo buộc bán công nghệ hạt nhân cho một loạt quốc gia, trong đó có Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Lịch sử cho thấy việc kiểm soát công nghệ hạt nhân cũng đi kèm với việc phải bảo đảm rằng các nhà khoa học hạt nhân sẽ không sử dụng trí tuệ của họ vào việc chế tạo các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt thêm một lần nữa.

Đạo luật Nunn-Lugar, một chương trình hợp tác hướng tới mục tiêu giảm thiểu đe dọa hạt nhân trên cơ sở Đạo luật Giảm đe dọa hạt nhân Liên Xô năm 1991, từng tìm công việc mới cho 58.000 nhà khoa học vũ khí và tạo thêm 580 việc làm mới liên quan tới lĩnh vực công nghệ cao cho các nhà khoa học hạt nhân Liên Xô.

“Các nhà khoa học hạt nhân của Triều Tiên thường sống ở các khu vực biệt lập như Yongbyon. Chúng ta cần đào tạo lại và giúp đỡ họ tìm việc làm trong các lĩnh vực khác bằng cách nghiên cứu Đạo luật Nunn-Lugar”, chuyên gia Lee Chun-geun tại Viện Chính sách Công nghệ và Khoa học nhận định.

Trường hợp nhà vật lý hạt nhân Abdul Qadeer Khan, người được xem là “cha đẻ” của bom hạt nhân Pakistan, cho thấy việc không thể kiểm soát các nhà khoa học hạt nhân có thể dẫn tới tình trạng phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.

Trong giai đoạn 1980-1990, ông Khan được cho là đã giúp Triều Tiên, Iran và Libya sản xuất vũ khí hạt nhân bằng cách chuyển giao các bản thiết kế và máy móc để phục vụ công nghệ phát triển hạt nhân, bao gồm cả quá trình làm giàu uranium. Năm 2001, ông Khan thậm chí còn viết thư cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad để thông báo rằng ông có thể giúp chính quyền Damascus chế tạo bom hạt nhân. Chính phủ Pakistan đã buộc tội Khan vì đóng vai trò trong việc phát tán công nghệ vũ khí hạt nhân và đưa ông vào diện quản thúc tại gia từ năm 2004 đến năm 2009.

Trước đó, Mỹ từng bí mật tiếp nhận hơn 1.600 nhà khoa học tên lửa, kỹ sư và kỹ thuật viên từ Đức thời hậu phát xít trong giai đoạn 1945-1959. Các nhà khoa học nhập cư này sau đó đã trở thành lực lượng đứng sau chương trình khoa học không gian của Mỹ trong cuộc chạy đua với Liên Xô.

Thành Đạt

Theo Korea Times