Ngoại trưởng Ecuador họp báo về cựu nhân viên CIA Snowden tại Hà Nội
(Dân trí) – Đang có chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao và Di dân Ecuador Ricardo Patiño Aroca tối nay (24/6) đã có cuộc họp báo bất ngờ tại Hà Nội để trả lời các câu hỏi liên quan đến việc xin tị nạn chính trị của cựu điệp viên CIA Edward Snowden.
Trong buổi họp báo ông Patiño Aroca đã xác nhận việc Snowden đến Nga sau khi nộp đơn xin tị nạn chính trị tại quốc gia Nam Mỹ. Tuy nhiên ông từ chối cung cấp thông tin về nơi trú ấn hiện tại của cựu nhân viên CIA này vì “không có thông tin”.
“Ecuador đã liên lạc với chính phủ Nga về Edward Snowden và đã thông báo tới phía Nga rằng chúng tôi đang cân nhắc cho anh ta tị nạn”, vị Bộ trưởng khẳng định với báo giới.
Ông cũng nhấn mạnh rằng chính phủ Ecuador đặt vấn đề nhân quyền lên trên bất kỳ lợi ích của bên nào khác. Ông cũng khẳng định thật “nghịch lý” khi người tiết lộ những cáo buộc vi phạm bí mật riêng tư lại đang bị ngược đãi.
“Từ “kẻ phản bội” đã được dùng, nhưng ai đã phản bội ai? Phải chăng nhân dân đã bị phản bội hay những tầng lớp thượng lưu?”, ông Patino đặt câu hỏi. Trước đó cựu phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney đã tuyên bố Edward Snowden là kẻ phản quốc.
Ông Patino đã đọc lại đơn xin tị nạn của Snowden. Trong đó cựu nhân viên CIA 30 tuổi này đã so sánh mình với nhà phân tích tình báo của quân đội Mỹ Bradley Manning, người bị buộc tội đã cung cấp nhiều tài liệu mật cho WikiLeaks và hiện đang bị xét xử với tội danh “hỗ trợ kẻ thù”.
“Không có vẻ gì rằng tôi sẽ có một phiên xét xử an toàn hay được đối xử nhân đạo trước khi xét xử, và tôi cũng có nguy cơ bị tù chung thân hoặc bị tử hình”, Snowden khẳng định trong đơn xin tị nạn.
Hàng loạt phóng viên bị Snowden “lừa”
Nhiều phóng viên báo giới Nga và quốc tế đã được một phen “chưng hửng” khi không thể tiếp cận được cựu điệp viên CIA đang bị truy lùng, dù đã tìm cách đặt vé trên chuyến bay được cho là chở Snowden tới Cuba.
Trước đó theo thông tin từ hãng hàng không Nga Aeroflot, cựu điệp viên này đã đặt vé trên chuyến bay SU150 với hai số ghế 17A và 17C, dự kiến rời Mátxcơva đi La Havana lúc 14 giờ 05 giờ địa phương (tức 10 giờ 05 GMT).
Tuy nhiên phóng viên của tờ RT của Nga dù đã lên được máy bay nhưng cả hai ghế trên đều bỏ trống. “Ông Snowden đến nay vẫn chưa xuất hiện, nhưng có một điều không bình thường rõ ràng đang xảy ra ở đây. Hãy nhìn vào tình hình an ninh và số lượng phóng viên báo giới”, phóng viên Piskunov của RT tường thuật từ bên trong máy bay.
Một thành viên của lực lượng an ninh sân bay thì khẳng định với hãng tin Nga Itar-Tass rằng cựu nhân viên CIA vẫn chưa rời khu vực trung chuyển của sân bay. “Snowden đã không rời đi trên chuyến bay của Aeroflot tới La Havana và vẫn đang ở trong khu vực quá cảnh”, nguồn tin trên cho biết.
Tuy nhiên hãng tin Interfax dẫn lời một nguồn tin khác cho biết: “Snowden rất có thể đã rời nước Nga. Anh ta có thể đã đi trên một chiếc máy bay khác”.
Mỹ gây áp lực, Nga phớt lờ
Trong lúc cả thế giới vẫn đang đặt dấu hỏi về nơi Snowden đang ẩn náu, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lên tiếng gây áp lực với Nga trong việc dẫn độ cựu điệp viên này.
Phát biểu trong chuyến thăm Ấn Độ ông cảnh báo cả Mátxcơva lẫn Bắc Kinh về những hậu quả, nếu phát hiện đề nghị dẫn độ của Washington bị phớt lờ. Và rằng ông “chắc chắn sẽ thất vọng nếu anh ta được cho phép lên chuyến bay đó một cách có chủ ý”.
“Liên quan tới mối quan hệ với Trung Quốc và Nga và những nước khác mà vấn đề này có liên quan, sẽ có rất nhiều rắc rối nếu họ đã được thông báo đầy đủ, nhưng bất chấp điều này, vẫn quyết định phớt lờ nó một cách có chủ ý và không tôn trọng các tiêu chuẩn của pháp luật”, ông Kerry khẳng định.
Trước đó, người phát ngôn của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ Caitlin Hayden cũng hối thúc Mátxcơva: “Chúng tôi mong chính phủ Nga sẽ cân nhắc mọi lựa chọn có thể để trục xuất ông Snowden về Mỹ để đối mặt với công lý sau những tội ác bị cáo buộc”.
Đáp lại lời kêu gọi này, ông Aleksey Pushkov, chủ tịch ủy ban đối ngoại hạ viện Nga tuyên bố: “Mối quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn khá phức tạp, và khi quan hệ ở giai đoạn này, một quốc gia có hành động hiếu chiến với một quốc gia khác, tại sao nước Mỹ lại mong chờ một sự kiềm chế và thấu hiểu từ Nga?”, ông Pushkov tuyên bố.
Thanh Tùng
Tổng hợp