1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Snowden được đề cử giải Nobel Hòa bình

(Dân trí) - “Kẻ phản bội nước Mỹ” hay “người hùng của truyền thông tự do” vừa được một nhà khoa học Thụy Điển đề cử giải Nobel Hòa bình vì hành động dũng cảm dám vạch trần các sai phạm của chính phủ Mỹ.

Cựu nhân viên CIA Edward Snowden.

 Snowden, ứng cử viên “tiềm năng” cho giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2014.

Giáo sư xã hội học Stephen Svallfors tại Đại học Umea, một viện sĩ Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, đã đề nghị Ủy ban Nobel Na Uy trao giải Nobel Hòa bình cho Edward Snowden, người tiết lộ thông tin tình báo của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).

"Nhờ những nỗ lực đầy can đảm của Snowden, người chấp nhận thua thiệt cho bản thân, mà hoạt động gián điệp quy mô lớn do Mỹ thực hiện đã bị đưa ra ánh sáng. Sự dũng cảm của Snowden làm cho thế giới trở nên tốt hơn và an toàn hơn", đài BBC trích lời của Giáo sư Svallfors viết trong đơn đề nghị gửi Ủy ban Nobel Na Uy.

Tuy nhiên, do quy trình đề cử và xét duyệt giải Nobel của Ủy ban Nobel Na Uy rất phức tạp và thường kéo dài hàng năm nên chắc chắn Edward Snowden sẽ chưa thể có tên ngay trong danh sách xét giải Nobel Hòa bình năm nay.

Được biết, quy trình nhận hồ sơ đề cử cho các giải Nobel năm nay đã kết thúc vào ngày 1/2.

Tờ Daily Mail cho rằng “rất có thể tên Snowden sẽ có trong danh sách đề cử Nobel Hòa bình vào năm sau” và “nếu được nhận giải, Snowden sẽ là người trẻ tuổi nhất được trao giải thưởng uy tín này".

Kể từ khi quyết định công khai danh tính ở Hồng Kông (Trung Quốc) sau khi tiết lộ các chương trình giám sát toàn cầu tối mật của chính phủ Mỹ, Snowden đang ngày càng bị đẩy vào thế kẹt “không chốn dung thân” khi Mỹ liên tục gây sức ép với các nước có ý định cho cựu nhân viên CIA 30 tuổi này tị nạn. Trong tuyên bố mới nhất, đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Snowden vẫn ở trong khu vực quá cảnh sân bay ở Mátxcơva (từ hôm 23/6) do các hành động “bủa vây” và “chặn nhốt” của chính phủ Mỹ.

Hiện tại, Snowden đã được 3 quốc gia Mỹ Latinh là Nicaragoa, Venezuela và Bolivia đồng ý cấp quy chế tị nạn nhân đạo, nhưng làm thế nào để “công dân toàn cầu” này tới được 3 nước trên vẫn là một bài toán chưa có lời giải.

Mai Hương
Theo BBC