1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ngoại trưởng Đức "khó hiểu" về bức ảnh của lãnh đạo Nga - Thổ Nhĩ Kỳ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã dùng từ "không thể hiểu được" khi bình luận về bức ảnh của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Ngoại trưởng Đức khó hiểu về bức ảnh của lãnh đạo Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - 1

(Từ trái sang phải) Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan chụp hình tại một sự kiện ở Tehran hồi tuần trước (Ảnh: AFP).

Bức ảnh cho thấy, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cùng nắm tay Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Ba nhà lãnh đạo giơ tay lên cao và mỉm cười. Bức ảnh được chụp trong cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo tại Iran hồi tuần trước.

RT đưa tin, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã gọi tấm ảnh có sự xuất hiện của ông Putin và ông Erdogan là "một thách thức cho NATO".

Trả lời phỏng vấn báo Bild hôm 23/7, bà Baerbock thừa nhận "không thể hiểu được" bức ảnh, "đặc biệt là từ góc nhìn của một thành viên NATO".

Căng thẳng giữa Nga và NATO leo thang dồn dập trong nhiều tháng qua kể từ sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2. NATO đã chọn cách tiếp cận cứng rắn và quyết liệt khi đối phó với Nga. 

Dù là một thành viên của liên minh quân sự nói trên, Thổ Nhĩ Kỳ đã chọn chiến lược khác với các thành viên còn lại, với quan điểm trung lập về cuộc xung đột đã kéo dài 5 tháng qua giữa Nga và Ukraine.

"Nếu nói giảm nói tránh thì việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có mặt trong bức ảnh là một thách thức với NATO", bà Baerbock thừa nhận.

Ba nhà lãnh đạo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã họp ở Tehran hồi đầu tuần trước trong khuôn khổ sự kiện Tiến trình Hòa bình Astana - được Moscow, Tehran và Ankara khởi động vào năm 2017 với mục đích đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Syria.

Ông Putin cũng tổ chức các cuộc hội đàm song phương với từng người đồng cấp. Tình hình ở Ukraine nằm trong chương trình nghị sự của cả hai cuộc họp.

Trong thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã tích cực hoạt động như bên trung gian giúp Nga và Ukraine tiến tới đàm phán hòa bình. Gần đây nhất, Ankara cùng Liên Hợp Quốc đã giúp Nga và Ukraine ký thỏa thuận nhằm mở đường cho ngũ cốc của Kiev có thể rời khỏi Biển Đen để xuất khẩu. Đây là nỗ lực của các bên nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang có dấu hiệu diễn biến nghiêm trọng.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine