Nga vô hiệu hóa "siêu vũ khí" của phương Tây ở chiến trường Ukraine
(Dân trí) - Moscow khẳng định, những thứ được coi là "siêu vũ khí" của phương Tây cũng không thể làm thay đổi cục diện xung đột ở Ukraine.
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Quốc tế ở Moscow hôm 16/8, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói rằng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã xóa tan những đồn đoán về "siêu vũ khí" của phương Tây. Ông nhấn mạnh, vũ khí phương Tây viện trợ cho Ukraine đến nay vẫn không có nhiều tác động đến chiến trường như họ tuyên bố.
"Ban đầu là tên lửa chống tăng Javelin, một số máy bay không người lái đặc biệt. Gần đây hơn, các tổ hợp pháo phóng loạt như HIMARS hay lựu pháo tầm xa được phương Tây quảng bá là siêu vũ khí. Tuy nhiên, tất cả khí tài này đều bị đánh bại trên chiến trường", ông Shoigu bình luận.
Ông nói, HIMARS không tác động nhiều đến tình hình chiến trường ngay cả khi Ukraine dùng chúng để tấn công các mục tiêu quan trọng của Nga như hạ tầng hậu cần, trung tâm chỉ huy. Ngược lại, ông khẳng định, vũ khí của Nga cho thấy năng lực "tốt nhất" trên chiến trường.
Bộ trưởng Shoigu cho biết thêm, quân đội Nga đang "nghiên cứu rất kỹ lưỡng" các vũ khí phương Tây bị thu giữ ở chiến trường Ukraine, "xem xét các đặc điểm, tính chất cụ thể" của chúng.
HIMARS là tổ hợp pháo phóng loạt do Mỹ cung cấp cho Ukraine. Đến nay, Washington cấp ít nhất 16 hệ thống HIMARS trong các lô vũ khí viện trợ trị giá hàng tỷ USD cho Kiev.
Giới chức Ukraine và một số quan chức cấp cao của Mỹ nói, HIMARS cùng với các tổ hợp rocket khác của phương Tây "đang xoay chuyển cục diện chiến trường".
"Quân đội Ukraine đang triển khai hiệu quả các đợt tấn công bằng HIMARS nhằm vào các trung tâm chỉ huy, mạng lưới hậu cần và nhiều mục tiêu khác của Nga", Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, nhận định hồi cuối tháng 7.
Đại sứ Mỹ tại Ukraine Bridget Brink hôm 2/8 cũng khẳng định, vũ khí Washington viện trợ, trong đó có HIMARS, đã cho thấy hiệu quả trên chiến trường Ukraine.
Ukraine dường như đã sử dụng HIMARS cho vụ tấn công nhằm vào kho đạn dược của Nga ở Kherson hồi tháng 7, gây tổn thất nặng nề cho Moscow.
Phương Tây liên tục viện trợ vũ khí cho Ukraine kể từ khi xung đột với Nga nổ ra hồi tháng 2. Moscow nhiều lần cảnh báo, việc phương Tây tiếp tục "bơm" vũ khí cho Kiev chỉ khiến chiến sự kéo dài và có nguy cơ lan rộng.
"Ở Ukraine, binh sĩ Nga đang phải đối đầu với phương Tây - các nước đang vạch ra cho lãnh đạo nước này con đường chiến tranh hỗn hợp chống lại Nga. Các hoạt động này gồm hỗ trợ tài chính, viện trợ vũ khí, cung cấp dữ liệu trinh sát, huấn luyện cho quân đội Ukraine", ông Shoigu nêu rõ.
"Mục đích của NATO là nhằm kéo dài sự thống khổ của Ukraine. Song chúng tôi cũng chắc chắn rằng, không ai ở NATO hoài nghi việc Nga sẽ đạt mọi mục tiêu đề ra trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các kế hoạch nhằm làm suy yếu Nga về mặt kinh tế sẽ thất bại", người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga khẳng định thêm.