1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga bác bỏ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Nga phủ nhận thông tin cho rằng Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Nga bác bỏ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine - 1

Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat của Nga vào tháng 4/2022 (Ảnh: Sputnik).

"Việc sử dụng (vũ khí hạt nhân) chỉ giới hạn trong những trường hợp khẩn cấp, như được nêu trong các bản hướng dẫn được công bố rộng rãi của Nga", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu phát biểu tại một hội nghị an ninh ở Moscow hôm nay 16/8. Ông nói thêm rằng, vũ khí này có ý nghĩa răn đe nhằm chống lại sự xâm chiếm từ bên ngoài.

Ông Shoigu cũng cho biết, "những lo ngại về việc Nga có thể sử dụng vũ khí hóa học ở Ukraine là vô lý", vì Nga đã phá hủy kho dự trữ vào năm 2017. Theo ông Shoigu, các nhóm do phương Tây hậu thuẫn từng đưa ra những cáo buộc như vậy ở Syria.

Ông Dmitry Medvedev, cựu Tổng thống và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, từng đề cập tới học thuyết hạt nhân của Nga, trong đó nêu rõ những điều kiện cho phép Moscow được quyền sử dụng vũ khí hạt nhân.

Theo ông Medvedev, trường hợp đầu tiên là tình huống Nga bị tấn công bằng tên lửa hạt nhân. Trường hợp thứ hai là bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào khác được sử dụng để chống lại Nga hoặc các đồng minh của Nga. Trường hợp thứ ba là một cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu làm tê liệt các lực lượng răn đe hạt nhân của Nga. Trường hợp thứ tư là khi xuất hiện hành động thù địch nhằm vào Nga và các đồng minh, gây nguy hiểm cho sự tồn vong của đất nước, dù chỉ bằng vũ khí thông thường, chứ chưa bao gồm vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 1/8 tuyên bố, Nga tin rằng "không có người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân" và cuộc chiến này "không bao giờ được nổ ra". 

Nga hiện có khoảng 6.000 đầu đạn hạt nhân - kho dự trữ vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Lực lượng răn đe của Nga gồm nhiều loại vũ khí chiến lược khác nhau, cả vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường, có thể sử dụng cho mục đích phòng thủ và tấn công. 

Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho rằng tình hình an ninh ở châu Âu hiện tại còn tồi tệ hơn thời Chiến tranh Lạnh. Ông đổ lỗi cho NATO gây ra tình trạng này.

"Các hoạt động quân sự của liên minh (NATO) đã trở nên hoàn toàn gây hấn và mang tính chất chống Nga", ông Shoigu nói, đề cập đến việc triển khai quân đội và vũ khí của Mỹ ở Đông Âu. Ông nói thêm rằng việc NATO tăng cường lực lượng đã bắt đầu từ lâu trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2.

Bộ trưởng Shoigu cũng bác bỏ quan điểm cho rằng các hệ thống vũ khí của phương Tây có thể thay đổi cục diện trên chiến trường Ukraine.

"Ban đầu, họ ca ngợi tên lửa chống tăng Javelin và máy bay không người lái "độc nhất vô nhị". Sau đó, những người thân phương Tây tiếp tục quảng bá hệ thống rocket phóng loạt HIMARS và hệ thống pháo tầm xa là "siêu vũ khí"", ông Shoigu nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga nhấn mạnh, những vũ khí trên cũng bị phá hủy giống như bất kỳ loại vũ khí nào khác và không ảnh hưởng nhiều đến tình hình chiến sự. Trong khi đó, lực lượng Nga vẫn đang nghiên cứu các vũ khí thu được trên chiến trường để tìm cách đối phó.

Theo RT