1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga - Ukraine thực sự cận kề nguy cơ xung đột?

Thành Đạt

(Dân trí) - Các quan chức của Ukraine và EU đã đưa ra nhận định về nguy cơ xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine, khi căng thẳng leo thang trong khu vực.

Nga - Ukraine thực sự cận kề nguy cơ xung đột? - 1

Xe tăng T-72B3 của Nga khai hỏa (Ảnh: Tass).

Theo Tass, sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 24/1, ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), dường như đã bác bỏ nhận định cho rằng Nga có kế hoạch hành động quân sự với Ukraine trong tương lai gần.

"Chắc chắn là không, tôi không thấy có điều gì mới mà có thể làm gia tăng sự lo ngại về một cuộc tấn công ngay lập tức", ông Borrell nói, trả lời câu hỏi của một phóng viên.

Ông Borrell cũng không tin có bất kỳ mối đe dọa nào nhằm vào các quốc gia khác, chẳng hạn Lithuania.

Tuyên bố của quan chức EU được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và các nước phương Tây cáo buộc Nga triển khai 100.000 quân tới biên giới Ukraine và nghi ngờ Moscow có động thái quân sự với nước láng giềng. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã nhiều lần bác bỏ kế hoạch động binh với Ukraine. Nga khẳng định mọi hoạt động quân sự diễn ra bên trong lãnh thổ Nga hoàn toàn nhằm mục đích phòng vệ.

Theo ông Borrell, việc hoạt động quân sự của Nga ở biên giới với Ukraine nhằm gia tăng căng thẳng và "chia rẽ" châu Âu.

Trước đó, ông Borrell tuyên bố EU sẽ không "nối gót" Mỹ và Anh trong việc sơ tán gia đình của các nhà ngoại giao EU khỏi Ukraine. Ông cho rằng không cần thiết phải "nghiêm trọng hóa" tình hình.

"Chúng tôi sẽ không hành động tương tự bởi vì chúng tôi không thấy có bất kỳ lý do cụ thể nào để thực hiện việc đó", ông Borrell nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov hôm nay 25/1 cho biết, cho tới nay, ông không nhận được bất kỳ thông tin nào cho thấy khả năng Nga hành động quân sự với Ukraine trong tương lai gần.

"Tính đến hôm nay, các lực lượng vũ trang của Nga không thiết lập nhóm tấn công nào cho thấy họ sẵn sàng tiến hành một cuộc tấn công vào ngày mai", ông Reznikov nói với kênh truyền hình ICTV của Ukraine, đồng thời nói thêm rằng kịch bản về một cuộc tấn công của Nga trong tương lai gần cũng khó xảy ra.

Khi được hỏi về khả năng Nga động binh với Ukraine vào ngày 20/2, ngày cuối cùng của Thế vận hội Olympic ở Bắc Kinh (Trung Quốc), Bộ trưởng Reznikov cho biết khả năng xảy ra là "thấp".

Trước đó, Bloomberg dẫn lời "một nhà ngoại giao ở Bắc Kinh" cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là đã đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin không tấn công Ukraine trong khi Thế vận hội Olympic diễn ra ở Bắc Kinh từ ngày 4-20/2, để không phá hỏng sự kiện". Tuy nhiên, cả Bắc Kinh và Moscow đều đã lên tiếng bác bỏ thông tin này.

"Ngoại giao" có thể hạ nhiệt căng thẳng?

Nga - Ukraine thực sự cận kề nguy cơ xung đột? - 2

Phương tiện quân sự Nga trên đường tới Belarus để tham gia tập trận chung hôm 24/1 (Ảnh: EPA).

Theo quan sát của phương Tây, quân đội Nga đang áp sát Ukraine từ 3 phía. Mỹ và NATO cảnh báo sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt cứng rắn nếu Tổng thống Vladimir Putin phát lệnh tấn công Ukraine. Gia đình của các nhà ngoại giao, cả Mỹ và Nga, đều đang sơ tán khỏi Kiev.

Theo New York Times, vẫn có những lựa chọn ngoại giao để tháo "ngòi nổ" Ukraine. Trong vài ngày tới, Mỹ và NATO được cho là sẽ phản hồi bằng văn bản đối với những yêu cầu của Tổng thống Vladimir Putin để hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực.

Câu hỏi đặt ra là liệu có cơ hội nào để các bên đạt được thỏa hiệp cho 3 vấn đề riêng biệt, bao gồm yêu cầu của Nga về việc đảm bảo rằng Ukraine sẽ không gia nhập NATO; rằng NATO sẽ không mở rộng hơn nữa về phía biên giới Nga; và bằng cách nào đó, Nga có thể khôi phục một phần phạm vi ảnh hưởng ở khu vực được xem là "sân sau" của mình.

Vấn đề khó khăn nhất trong tất cả các cuộc đàm phán là việc Tổng thống Putin yêu cầu Ukraine đảo ngược xu hướng ngả về phương Tây. Tuy nhiên, việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 càng khiến nhiều người Ukraine xích lại gần châu Âu. Các quan chức Mỹ cho rằng việc Nga tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới Ukraine có thể sẽ đẩy nhanh, thay vì đảo ngược, xu hướng này.

Trong khi vẫn còn thời gian để tránh kịch bản tồi tệ nhất, ngay cả các trợ lý hàng đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nói rằng, họ không biết liệu một giải pháp ngoại giao, thay vì "động binh" với Ukraine, có phải là điều mà ông Putin nghĩ đến hay không.

Điểm mấu chốt của Tổng thống Putin trong tình hình căng thẳng hiện nay rất đơn giản: ông muốn ngăn Ukraine gia nhập NATO và có được sự đảm bảo rằng, Mỹ và NATO sẽ không bao giờ đặt vũ khí tấn công đe dọa an ninh của Nga trên lãnh thổ Ukraine.

Về phần mình, Mỹ tuyên bố không bao giờ từ bỏ chính sách "mở cửa" của NATO, đồng nghĩa với việc mọi quốc gia đều có thể lựa chọn trở thành thành viên của liên minh quân sự này. Tuy nhiên, Ukraine được cho là khó có thể gia nhập NATO trong một hoặc hai thập niên mới.

"Khả năng Ukraine gia nhập NATO trong thời gian tới là không cao", Tổng thống Biden nói tại cuộc họp báo hôm 19/1.

Tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng dường như là tín hiệu cho thấy Mỹ vẫn để ngỏ khả năng đảm bảo an ninh theo yêu cầu của Nga, thông qua việc từ chối để Ukraine gia nhập NATO từ 10-20 năm tới. Tuy vậy, chính quyền Biden vẫn vạch ra lằn ranh đỏ để Nga hiểu rằng, nước này không có quyền quyết định việc quốc gia nào có thể gia nhập NATO.

Một vấn đề phức tạp khác trong đàm phán giữa các bên là cách Mỹ và NATO triển khai hoạt động ở Ukraine. Kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, Mỹ và các nước thành viên NATO vẫn cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí phòng thủ, bao gồm các phương tiện "hạ gục" xe tăng và máy bay của Nga. Hoạt động này gia tăng nhanh chóng trong những tuần gần đây và theo nhận định của Tổng thống Putin, những vũ khí đó mang tính tấn công hơn là phòng thủ.

Tổng thống Putin đã thể hiện rõ mong muốn khôi phục ảnh hưởng của Nga trong khu vực, đặc biệt ông Putin muốn loại bỏ tất cả vũ khí hạt nhân ra khỏi châu Âu. Đây cũng là một vấn đề gây khó khăn cho tiến trình đàm phán giữa Nga và Mỹ do lập trường khác biệt của các bên.

Theo www.straitstimes.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm