1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

"Chảo lửa" Ukraine tăng nhiệt, Mỹ tính đưa hàng nghìn quân áp sát Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đang cân nhắc việc triển khai binh sĩ, tàu chiến và máy bay tới các nước đồng minh NATO ở Đông Âu và các nước Baltic, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Nga.

Chảo lửa Ukraine tăng nhiệt, Mỹ tính đưa hàng nghìn quân áp sát Nga - 1

Binh sĩ Mỹ tham gia cuộc tập trận ở Latvia vào tháng 3/2021 (Ảnh: EPA).

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng, Tướng Mark A. Milley, ngày 22/1 đã có cuộc họp trực tuyến với Tổng thống Joe Biden tại Trại David, bang Maryland.

Theo các quan chức của chính quyền Biden, các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc đã đề xuất với ông chủ Nhà Trắng một loạt lựa chọn về việc đưa quân đội Mỹ đến gần lãnh thổ Nga hơn trong bối cảnh căng thẳng leo thang.

Một phương án được đưa ra là sẽ có khoảng 1.000-5.000 quân được điều động đến gần biên giới Nga, với khả năng gia tăng đáng kể sự hiện diện quân sự của Mỹ nếu NATO cho rằng điều đó là cần thiết. Tổng thống Biden dự kiến sẽ đưa ra quyết định sớm nhất vào tuần tới.

Việc Mỹ gia tăng hiện diện quân sự tại các nước đồng minh NATO sát vách Nga cho thấy sự thay đổi so với cách tiếp cận trước đây của chính quyền Washington, vốn ủng hộ các biện pháp trừng phạt và ngoại giao.

Tình báo NATO gần đây cho rằng Nga đã triển khai hơn 100.000 quân dọc biên giới với Ukraine và một số nhà phân tích phương Tây dự đoán một cuộc tấn công sắp xảy ra trong khu vực. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc này và cho rằng phương Tây đang lợi dụng Ukraine vì mục đích riêng của khối này. Moscow khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.

Bộ Ngoại giao Mỹ cuối tuần trước đã yêu cầu người thân của các nhân viên làm việc tại đại sứ quán Mỹ ở Kiev rời khỏi Ukraine, đồng thời yêu cầu những người Mỹ ở Ukraine tìm cách rời khỏi nước này trong thời gian sớm nhất. Mỹ đề cập đến hai lý do là tình hình dịch Covid-19 và nguy cơ xảy ra giao tranh quân sự để lý giải cho kế hoạch di tản khỏi Ukraine.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp các quan chức Nga và phía Nga đã nêu các mối quan ngại về an ninh của nước này. Moscow muốn NATO ngừng mở rộng về phía đông và không trang bị vũ khí quân sự tấn công ở các quốc gia có biên giới với Nga. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa có phản hồi chính thức.

Theo hãng tin Sputnik, nếu Tổng thống Biden chấp thuận kế hoạch triển khai quân đội tới "cửa ngõ" của Nga, một số binh sĩ sẽ được điều chuyển từ Mỹ trong khi các binh sĩ khác sẽ được triển khai từ các khu vực ít có nguy cơ bị tấn công ở châu Âu.

"Chúng ta cần các cuộc tập trận chung ở Ba Lan, các nước Baltic, Romania, Bulgaria, để cho Nga thấy rằng chúng ta nghiêm túc. Hiện tại, Nga chưa thấy chúng ta nghiêm túc", Michael McCaul, thành viên cấp cao của đảng Cộng hòa tại Ủy ban Đối ngoại, nói.

Một số nghị sĩ Mỹ cho rằng, việc triển khai quân tới gần lãnh thổ Nga không giúp ích nhiều cho việc giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay.

Không quân Mỹ đã tăng cường tần suất theo dõi biên giới Nga-Ukraine kể từ tháng 12/2021. Mỹ và các đồng minh NATO đều có cố vấn quân sự ở Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine ngày 23/1 thông báo Mỹ đã gửi lô vũ khí thứ 2 tới Ukraine nhằm tăng cường khả năng phòng vệ cho nước này, đồng thời khẳng định đây không phải lô hàng cuối cùng. 2 lô vũ khí này là một phần trong thỏa thuận viện trợ an ninh cho Ukraine trị giá 200 triệu USD được Mỹ phê duyệt vào tháng 12 năm ngoái.

Theo sputniknews.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm