Nga - Ukraine "căng như dây đàn", Mỹ hối thúc công dân lập tức rời Belarus
(Dân trí) - Mỹ hối thúc công dân lập tức rời Belarus do sự tăng cường hiện diện quân sự "bất thường và đáng lo ngại" của Nga dọc biên giới giữa Belarus và Ukraine.
Mỹ hối thúc công dân rời Belarus
Từ cuối tuần trước, Mỹ cảnh báo, Nga có thể động binh với Ukraine "bất cứ thời điểm nào" và có thể ngay trong tuần này.
Lo ngại kịch bản xung đột Nga - Ukraine, Mỹ đã quyết định đóng cửa đại sứ quán ở Kiev, sơ tán hầu hết nhân viên đại sứ quán về nước, chỉ giữ lại một nhóm nhỏ nhà ngoại giao. Ngoài ra, Mỹ cũng hối thúc công dân lập tức rời Ukraine khi còn có thể bởi nếu xung đột xảy ra, Mỹ sẽ không điều quân đội tới Ukraine tới sơ tán công dân, bởi điều đó sẽ khiến tình hình căng thẳng hơn nữa.
Trong một động thái mới nhất, Mỹ cũng kêu gọi công dân của mình ở Belarus "ngay lập tức" trở về nước. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, công dân Mỹ nên rời Belarus ngay hoặc không nên đến Belarus do "sự tăng cường quân sự bất thường và đáng lo ngại của Nga dọc biên giới giữa Belarus và Ukraine, do Covid-19 và các hạn chế nhập cảnh có liên quan".
Cuối tháng trước, Mỹ đã sơ tán người thân của các nhân viên đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Minsk, Belarus do căng thẳng khó đoán trước trong khu vực.
Nga đã điều hàng nghìn binh sĩ đến Belarus tham gia các cuộc tập trận kéo dài 10 ngày. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 14/2 báo cáo lên Tổng thống Vladimir Putin rằng, một số cuộc tập trận ở Belarus đã hoàn tất, trong khi số còn lại cũng sắp hoàn tất. Tuy nhiên, truyền thông địa phương không đề cập liệu khi nào Nga sẽ rút binh sĩ và khí tài khỏi Belarus.
Hơn 100 tiểu đoàn gần biên giới Ukraine
Guardian đưa tin, giới chức Anh ước tính, Nga đang điều thêm 14 tiểu đoàn nữa đến biên giới với Ukraine. Mỗi tiểu đoàn gồm khoảng 800 binh sĩ và Nga hiện có khoảng 100 tiểu đoàn triển khai ở các khu vực gần biên giới Ukraine, một lực lượng mà phương Tây tin rằng đủ để tiến hành một chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine.
Anh tin rằng, Nga đã dành 60% lực lượng mặt đất và tăng gấp đôi không lực ở khu vực trong đợt tăng cường lực lượng này. Tuy nhiên, giới chức Anh tin rằng, Nga có thể kéo dài cuộc khủng hoảng hiện tại thêm vài tuần hoặc thậm chí lâu hơn nhằm gây sức ép với phương Tây.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 14/2 đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hai nhà lãnh đạo nhất trí quan điểm rằng, ngoại giao vẫn là phương thức quan trọng nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine. Hai bên đều tuyên bố sẽ không điều quân đến Ukraine.
Căng thẳng giữa Nga với Ukraine và phương Tây leo thang gần đây khi Moscow bị cáo buộc tăng cường hiện diện quân sự gần biên giới Ukraine. Các nguồn tin phương Tây nói rằng, lực lượng của Nga áp sát Ukraine từ 3 hướng gồm phía đông Ukraine, bán đảo Crimea và Belarus.
Mặc dù vậy, Nga khẳng định không có kế hoạch động binh với Ukraine như cáo buộc của phương Tây.