Nga tuyên bố sở hữu lá chắn bắn rơi "24 máy bay Ukraine trong 5 ngày"
(Dân trí) - Nga tuyên bố nước này đã triển khai tổ hợp phòng không có khả năng "bắn rơi 24 máy bay quân sự Ukraine trong 5 ngày".
Phát biểu trong chuyến thăm lực lượng Vostok đang tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố Moscow giờ đã có hệ thống phòng không có khả năng bắn rơi 24 máy bay Ukraine trong 5 ngày.
Theo ông Shoigu, con số thiệt hại nặng nề này cho thấy Ukraine đang mất dần cơ hội để phản công Nga.
Bộ trưởng Nga không nêu cụ thể lá chắn phòng không nào, cũng như các tính năng liên quan đã giúp nó bắn rơi máy bay Ukraine. Phía Kiev cũng chưa lên tiếng về con số mà ông Shoigu cung cấp.
Trước đó, Nga từng tuyên bố đã bắn rơi số lượng lớn tiêm kích MiG-29 của Ukraine. Kiev cũng chưa bình luận về các phát biểu từ Nga.
Trung tá Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski, người từng đảm nhiệm vị trí nhà phân tích tại Lầu Năm Góc, cho biết, Ukraine còn khoảng 50 chiếc MiG-29 từ thời Liên Xô cũ.
Kiev dự kiến sẽ nhận thêm một số tiêm kích MiG-29 từ Slovakia và Ba Lan - các cựu thành viên Hiệp ước Warsaw. Hai nước này đang mua các tiêm kích đời mới của NATO để thay thế dần các máy bay có từ những năm 1970.
Bà Kwiatkowski nhận định, mặc dù Ukraine vẫn có thể nâng cấp MiG-29, nhưng cốt lõi của nó vẫn là "công nghệ cơ bản của những năm 1970" và "không thể sánh kịp hoặc né tránh hệ thống giám sát và phòng không hiện đại từ mặt đất hoặc trên không".
Bà Kwiatkowski nói: "Ngay cả báo cáo của phương Tây năm ngoái cũng thừa nhận khả năng vượt trội của máy bay chiến đấu MiG-31BM của Nga trong việc bắn rơi máy bay phản lực Ukraine và các phương tiện không quân khác của Ukraine".
Hồi tháng 7, một phi công Ukraine đã nêu ra nguyên nhân giúp Nga chiếm ưu thế áp đảo trước Kiev trong không chiến thời gian qua.
Trả lời báo Anh Sunday Times, một phi công Ukraine mang họ Maksym thừa nhận lực lượng Không quân Nga hiện đại vượt trội so với Kiev. Vì vậy, theo phi công này, Ukraine "gần như không thể làm gì Nga trên không".
Maksym cho biết ông và các đồng đội trong đơn vị đã gặp hàng loạt khó khăn khi làm nhiệm vụ ở Bakhmut trước một đội quân được trang bị hiện đại hơn rất nhiều.
Ví dụ, đơn vị của Maksym phải sử dụng các trực thăng Mil Mi-8 được thiết kế từ thời Liên Xô và đi vào biên chế từ cuối những năm 1960. Loại máy bay này kém xa về mặt hiệu quả so với phi đội trực thăng hiện đại của Nga, theo phi công Ukraine.
Ngoài ra, Ukraine còn đối mặt với hạn chế về đạn dược. Maksym cho biết phi đội của ông chỉ thực hiện được một nhiệm vụ mỗi ngày vì họ không có đủ rocket cho các cuộc tấn công tiếp theo.
Ông thừa nhận, vấn đề của Không quân Ukraine nằm ở cả trực thăng cho tới tiêm kích và Kiev không có trang thiết bị tương xứng để chống lại các vũ khí mới nhất của Nga.
"Các máy bay phản lực của Nga có chất lượng tốt hơn nhiều so với của chúng tôi", phi công Ukraine cho biết.
Trước đó, các phi công Ukraine nhiều lần nói về sự chênh lệch về tiềm lực không quân so với Nga. Vì vậy, Ukraine dường như đang chờ phương Tây cung cấp tiêm kích F-16, với kỳ vọng vũ khí này có thể tạo ra đối trọng với dàn máy bay Nga để thu hẹp bớt chênh lệch giữa 2 bên.