1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Không quân Ukraine vẫn có thể tác chiến dù bị Nga áp đảo?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tướng Mỹ nêu ra chiến thuật giúp Không quân Ukraine vẫn duy trì lực lượng tác chiến và gây ra thiệt hại cho Nga từ trên không phận mà Moscow đang chiếm ưu thế.

Vì sao Không quân Ukraine vẫn có thể tác chiến dù bị Nga áp đảo? - 1

Tiêm kích MIG-29 của Ukraine đậu tại căn cứ không quân (Ảnh: Quân đội Ukraine).

Tướng cấp cao Mỹ chỉ ra nguyên nhân Không quân Ukraine vẫn có thể tác chiến trong hơn 18 tháng qua trước lực lượng áp đảo của Nga về tiềm lực và trang bị. 

Theo Tướng James Hecker, người đứng đầu lực lượng Không quân Mỹ tại Châu Âu, một trong những lý do có thể kể đến là Nga chưa tìm kiếm và tấn công mục tiêu không quân của Kiev hiệu quả khiến Moscow không thể loại bỏ toàn bộ phi đội của Ukraine.

"Nếu bạn nhìn vào những gì Ukraine đang thực hiện, họ rất hiếm khi cất cánh và hạ cánh tại cùng một sân bay. Họ cất cánh một nơi rồi hạ cánh ở một sân bay khác. Vì lý do đó, họ có rất ít máy bay bị thiệt hại dưới mặt đất", ông nói.

Khi chiến sự nổ ra, Nga đã nỗ lực tấn công vào các mục tiêu quân sự của Ukraine, trong đó có các căn cứ không quân, nhằm phá hủy tiềm lực quân sự của Ukraine.

Ukraine đã nhận được sự hỗ trợ về mặt thông tin tình báo của NATO trước khi một số vụ tấn công của Nga diễn ra.

Nhờ vậy, Ukraine đã có thể di tản một số phi cơ tới các sân bay nhỏ, đường băng dã chiến để tránh các vụ tấn công ồ ạt của Nga vào căn cứ Không quân chính của Kiev. Khi tham chiến, phi cơ Ukraine thường bay từ tầm rất thấp tới tầm thấp để tránh bị phòng không Nga bắn rơi.

Trong năm thứ 2 của chiến sự, nhờ được phương Tây viện trợ rocket và tên lửa tầm xa hơn, các phi cơ của Ukraine có thể tránh khu vực nơi Nga bố trí dày đặc hệ thống phòng không.

Theo ông Hecker, Ukraine liên tục luân chuyển đội máy bay từ căn cứ này sang căn cứ khác nhằm đảm bảo đi trước Nga một bước.

Tướng Mỹ nói: "Họ luôn thay đổi nó (địa điểm đặt máy bay) và họ đang thực hiện trong khu vực Nga khoanh vùng mục tiêu. Chiến thuật này rất thành công".

Theo ông, một vấn đề lớn nằm ở phía Nga là Moscow xử lý thông tin tấn công chưa đủ nhanh để tấn công được mục tiêu của Kiev.

Trước thời điểm tháng 2/2022, Nga đã thu thập danh sách mục tiêu chi tiết và khá chính xác các tổ hợp phòng không của Ukraine. Tuy nhiên, Nga tới nay chưa phá hủy được nhiều hệ thống phòng thủ di động của Ukraine.

Một trong những lý do là Ukraine nhận được tin tình báo của phương Tây và thay đổi vị trí các hệ thống này trước khi Nga bắt đầu tấn công.

Ông Hecker chỉ ra, quy trình phát hiện mục tiêu, theo dõi và giao nhiệm vụ tấn công cho mục tiêu đó của Nga thường có thể mất 48 giờ hoặc lâu hơn. Đây là vấn đề còn tồn tại khiến các cuộc tấn công của Moscow chưa theo kịp tốc độ di tản của phòng không Ukraine sau khi khai hỏa, tướng Mỹ nói.

Justin Bronk, chuyên gia tại viện RUSI (Anh), cho biết trong khi lực lượng Không quân Nga tiếp tục gây thiệt hại cho các mục tiêu cơ sở hạ tầng và hậu cần của Ukraine, thì lực lượng này chưa thể phá hủy hiệu quả hệ thống phòng không di động của Ukraine.

Dara Massicot, một thành viên cấp cao tại Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Mỹ), cho rằng việc Không quân Nga tấn công chưa hiệu quả vào mục tiêu di động của Ukraine là do những thiếu sót về mặt tình báo, giám sát dẫn tới thông tin thu về bị chậm hơn một nhịp. 

Theo Business Insider
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine